Với sản lượng hoa quả rất lớn, việc tìm đầu ra ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn là bài toán khó đối với TP Chí Linh hiện nay.
Nhãn Chí Linh được sơ chế, đóng gói giới thiệu trong hội nghị xúc tiến thương mại và mở vườn nhãn xuất khẩu
Sản lượng lớn
Chỉ khoảng 1 tuần nữa, gần 100 gốc nhãn của ông Bùi Văn Nhương ở khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Ngoài nhãn, ông Nhương còn 1,4 ha trồng na. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá các loại nông sản đều giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết lại bất thường, năng suất nhãn, na đều giảm so với vụ trước nhưng vẫn đạt sản lượng lớn. Từ đầu vụ tới nay, ông Nhương đã bán hơn 8 tấn na và một phần nhãn sớm. Điều khiến ông Nhương lo lắng nhất hiện nay là việc tiêu thụ 4 tấn nhãn sắp được thu hoạch.
Phường Bến Tắm có 80 ha nhãn và 200 ha na, trong đó 30 ha nhãn và 50 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những địa phương có diện tích trồng na, nhãn lớn nhất của Chí Linh. Sản lượng na ước đạt khoảng 1.200 tấn, nhãn khoảng 200 tấn. Những vụ trước, na, nhãn chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nông sản chỉ tiêu thụ trong tỉnh, chỉ có một số ít được giới thiệu bán ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Người dân vẫn phải xoay xở việc tiêu thụ.
Phường Hoàng Hoa Thám có khoảng 60 ha nhãn và 25 ha thanh long. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh có nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vụ này, diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được mở rộng lên 30 ha, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Ông Trần Nhật Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Hoa Thám cho biết hiện phường có khoảng 200 tấn nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và 120 tấn thanh long. "Một vài doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề thu mua nhãn để xuất khẩu nhưng với số lượng ít. Một số vườn trồng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng đã thu hái để bán cho tư thương do nhãn đã đến kỳ thu hoạch", ông Tâm nói.
TP Chí Linh hiện có hơn 6.700 ha cây ăn quả. Trong đó có 740 ha nhãn, sản lượng ước đạt 4.000 tấn; 839 ha na sản lượng ước đạt 15.000 tấn; khoảng 176 ha trồng thanh long, sản lượng ước đạt 1.700 tấn... Hơn 40 ha nhãn với sản lượng khoảng 250 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Úc, Mỹ, New Zealand... Đây đang là thời điểm thu hoạch chính vụ na, nhãn, thanh long... nên sản lượng rất lớn, trong khi việc tiêu thụ vẫn bấp bênh.
Kết nối tiêu thụ
TP Chí Linh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, nhiều vùng trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Trước khi xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả, thành phố đã định hướng người dân trồng các loại cây phù hợp từng loại đất và nhiều giống khác nhau để thu hoạch rải vụ. Na và thanh long cho thu hoạch nhiều đợt trong 1 vụ. Riêng cây nhãn, người dân trồng nhiều giống khác nhau nên thời điểm thu hoạch cũng cách nhau từ 10 - 15 ngày. Đây là một trong những ưu thế của các vùng trồng cây ăn quả của Chí Linh.
Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, mới đây thành phố đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và mở vườn nhãn xuất khẩu tại phường Hoàng Hoa Thám. Một số doanh nghiệp đã đến tham quan và có kế hoạch đặt mua nhãn để xuất khẩu. Vào đầu vụ đã có hơn 1 tấn nhãn được doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sang Pháp và được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đang lên kế hoạch thu mua nhãn với số lượng lớn để cấp đông phục vụ xuất khẩu. Các sản phẩm khác như na, thanh long... cũng đã được giới thiệu tại hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội và một số sàn thương mại điện tử. Sau khi chào bán, các loại nông sản của Chí Linh đều được người tiêu dùng đánh giá tốt, tạo tiềm năng mở rộng thị trường và phát triển ở các vụ sau.
Chị Lê Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc giá nông sản giảm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thành phố đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đến thu mua nông sản. Với việc mở rộng thị trường qua nhiều kênh bán hàng, mặc dù số lượng tiêu thụ chưa nhiều nhưng sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản của Chí Linh trong thời gian tới.
TRẦN HIỀN