Các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Thanh Hà đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để tìm đầu ra cho quả vải thiều.
Mỗi ngày, gia đình chị Lê Thị Thơ ở xã Thanh Quang thu mua 5 tấn vải xuất khẩu sang Trung Quốc
Nhiều biện pháp
Dự kiến năm nay được mùa vải, sản lượng của toàn huyện Thanh Hà ước đạt 35.000 tấn. Vải thiều sớm ở đây đang cho thu hoạch. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vải thiều sớm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn so với năm trước.
Một số năm trước đây, sản lượng vải xuất khẩu đi Trung Quốc và một số nước khác chiếm khoảng 40%. Lường trước khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay huyện Thanh Hà tập trung tìm hướng tiêu thụ vải thông qua hệ thống siêu thị, doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản trong nước... Ngay từ đầu vụ, huyện đã sớm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu quả vải trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi thư mời tới hàng trăm DN trong và ngoài nước đến tham quan, mua vải. Huyện cũng tổ chức hội nghị hướng dẫn DN truy xuất nguồn gốc vải thiều Thanh Hà. Do tình hình dịch Covid-19 nên năm nay Thanh Hà không tổ chức lễ hội vải thiều nhưng sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, thương lái đến thu mua vải. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn sẽ được tăng cường, giúp các tiểu thương và DN đến thu mua thuận lợi. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành mời các DN, thương lái gần xa đến mua vải. Dù thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng khai thác tốt ở thị trường nội địa thì đầu ra sẽ không đáng lo.
Bên cạnh những nỗ lực của huyện, các xã trồng vải cũng chủ động tìm hướng tiêu thụ cho đặc sản này. Các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Xá đều tự kết nối thương lái tại địa phương thu mua vải cho người dân. Tổ liên kết sản xuất vải thiều sớm ở xã Thanh Sơn đã ký kết trực tiếp với Công ty CP Ameii Việt Nam thu mua 25 tấn vải. Lượng vải này bảo đảm yêu cầu xuất khẩu đang chờ ngày DN đến thu hoạch.
UBND huyện Thanh Hà đã kết nối, đưa nhiều doanh nghiệp đến thăm các vùng vải thiều
Tín hiệu vui
Ngay từ đầu vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã cử chuyên gia xuống các vùng vải của Thanh Hà để rà soát, đánh giá các vùng trồng và đề nghị cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc... Bên cạnh đó, chi cục cũng cử cán bộ đến tận các vùng trồng vải hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật được các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU chấp nhận. Nhờ đó, huyện Thanh Hà vừa được cấp thêm 8 mã vùng vải xuất khẩu mới, nâng tổng số lên 17 mã vùng với tổng diện tích 155,25 ha và gần 1.500 hộ tham gia. Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người trồng vải trong các khâu sản xuất, tiêu thụ. Đơn vị sẽ là cầu nối giúp DN và người trồng vải đến gần nhau hơn.
Thời điểm này, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Thanh Hà trên các trang mạng trong và ngoài nước và thông qua các tờ rơi, tờ gấp. Sở Công thương đã đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố khác, các DN, siêu thị, hiệp hội DN phối hợp cùng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên đến nay đã có nhiều DN, siêu thị đã ký kết hợp đồng tiêu thụ quả vải Thanh Hà. Hiện đã có 2 DN là Công ty CP: Ameii Việt Nam và Quốc tế Bambo (Hà Nội) ký hợp đồng mua 280 tấn vải cho nông dân Thanh Hà, chủ yếu ở các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Sơn. Tín hiệu đáng mừng nữa là nhiều DN đã nhận được các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phía đối tác đã ủy quyền cho DN Việt Nam đánh giá, kiểm soát chất lượng trước khi thu mua. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông-lâm sản Thanh Hà (Thanh Hà) cho biết năm nay sẽ thu mua 300 tấn vải thiều xuất khẩu đi Hàn Quốc. Ngoài ra, DN đã ký được đơn hàng xuất sang các thị trường khác như Anh, Đức, Pháp, Thái Lan, mỗi đơn hàng từ 25-30 tấn. Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết sẽ mua khoảng 1.000 tấn vải ở Thanh Hà xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Đến nay đã có nhiều DN đến thăm, khảo sát các vườn vải như Tập đoàn Big C Việt Nam, Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển Thuận Thiên, cửa hàng Ikon Food, chuỗi thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam... Các Công ty: CP Nông sản Hải Dương, TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Happro; Hệ thống các siêu thị: Co.opmart, Vinmart, Intimex... đã có kế hoạch thu mua, sơ chế, tiêu thụ quả vải.
MINH NGUYỆT