Tận dụng lợi thế nằm cạnh hạ lưu các con sông, nhiều địa phương trong tỉnh có thể thực hiện tiêu úng tự chảy (TUTC) để tiết kiệm kinh phí chống úng.
Do tiêu úng không kịp thời nên nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả tại xã Thanh Sơn (Thanh Hà) bị chết
Những năm gầy đây, do cơ cấu sản xuất nông nghiệp thay đổi, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của quá trình công nghiệp hóa nên việc TUTC gặp nhiều khó khăn.
Huyện Thanh Hà có hơn 11.000 ha đất canh tác, trong đó gần 3.000 ha TUTC qua hệ thống cống sông Hương và 20 cống qua đê khác. Hiện nhiều diện tích của huyện không còn khả năng TUTC mà phải tiêu úng bằng động lực. Lý giải về điều này, ông Ngô Xuân Thinh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết xí nghiệp luôn áp dụng linh hoạt giữa 2 biện pháp tiêu úng để vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí chống úng. Việc TUTC hiện nay rất bất cập do hệ thống kênh mương phục vụ tiêu tự chảy không đồng bộ. Muốn TUTC, mực nước sông ngoài phải thấp, lưu vực tiêu cao để nước dồn xuống kênh trục. Thực tế huyện Thanh Hà còn rất ít khu vực có thể TUTC. Vì thời gian tiêu úng gấp gáp nên xí nghiệp phải sử dụng tiêu bằng động lực. Mặc dù vậy, hệ số tiêu của các trạm bơm trên địa bàn còn hạn chế, không bảo đảm nhu cầu tiêu úng, nhất là những diện tích thuộc lưu vực trạm bơm Đò Phan, Ba Nữ. Vì vậy, đôi khi việc tiêu úng không kịp thời, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống cống sông Hương làm nhiệm vụ tiêu úng tự chảy cho các huyện Thanh Hà, Nam Sách
nhưng đã xuống cấp nên không phát huy được hiệu quả
Với những vùng sản xuất rau màu, việc tiêu úng phải nhanh chóng, nếu không sẽ gây hậu quả lớn. Nhiều năm nay, nông dân các xã khu C (Kim Thành) luôn thấp thỏm trước những đợt mưa lớn bởi khu vực này không tiêu động lực mà phải trông chờ vào TUTC qua hệ thống thủy lợi An Kim Hải. Theo ông Nguyễn Đăng Bậc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Gia, việc TUTC rất bị động, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm thủy lợi. Mặt khác, để TUTC, các địa phương trong cùng khu vực phải có sự phối hợp thống nhất, không thể mạnh ai nấy làm. Vài năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường, không theo quy luật. Các đợt mưa không lớn nhưng xuất hiện trái mùa, dồn dập đã bộc lộ những hạn chế của TUTC. Trước kia, nông dân khu C cấy lúa nên việc TUTC còn khả thi. Khi người dân chuyển sang trồng màu thì TUTC không còn phù hợp bởi nếu không tiêu úng khẩn trương cho rau màu thì sẽ gây thiệt hại lớn. Nhiều vụ, nông dân bất lực nhìn cánh đồng rau màu ngập trắng nước mà không thể cứu vãn. Nước rút chậm, rau màu bị thối rễ, nông dân phải trồng lại. Nhiều khi dưa hấu, dưa lê sắp cho thu hoạch gặp mưa, tiêu thoát nước không kịp nên bị chết dây khiến mỗi hộ lỗ cả chục triệu đồng. Nông dân khuC mong muốn trạm bơm Liên Hòa sớm được xây dựng để giảm bớt áp lực tiêu úng, hạn chế được thiệt hại do ngập úng gây ra.
Theo quy hoạch thủy lợi, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha đất nông nghiệp có thể TUTC, tập trung ở các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Kinh Môn, Tứ Kỳ. Thực tế cho thấy TUTC không thể đáp ứng được những đòi hỏi của sản xuất hiện nay. Tại các vùng được quy hoạch TUTC, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên hạ tầng thủy lợi không theo kịp yêu cầu sản xuất. Hơn nữa, sự phát triển của công nghiệp đã làm quy hoạch thủy lợi bị phá vỡ, chia cắt khiến hệ thống TUTC không phát huy hiệu quả. Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: “Mặc dù xây dựng vùng TUTC lớn, gần bằng 1/5 diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh nhưng phần lớn khu vực này hiện nay không thể TUTC mà phải tiêu hỗ trợ từ các trạm bơm lân cận. Nguyên nhân do vi phạm công trình thủy lợi gia tăng, việc giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy không được giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng ách tắc, ứ đọng khi tiêu tự chảy. Ngoài ra, hầu hết các cống phục vụ TUTC xuống cấp, việc vận hành, nhất là trong mùa mưa bão gặp khó khăn, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Do vậy, việc TUTC chỉ có thể thực hiện tranh thủ trong thời gian hạn hẹp. Để TUTC thuận lợi trong điều kiện sản xuất mới, các địa phương cần nêu cao trách nhiệm trong làm thủy lợi nội đồng và xử lý vi phạm thủy lợi”.
PV