Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel Văn học nhờ sự thâm nhập không nhân nhượng và đầy lòng trắc ẩn đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn.
Ông Gurnah sinh năm 1948 tại quần đảo Zanzibar của Tanzania, đến Anh tị nạn cuối những năm 1960. Ở tuổi 21, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác trong lúc sống cảnh lưu vong. Cho đến giờ, ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn với chủ đề xuyên suốt về người tị nạn.
Tiếng Swahili là ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng tiếng Anh trở thành công cụ để ông sáng tác văn học. Quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông là "Memory of Departure" (năm 1987), nói về một cuộc nổi dậy bất thành ở Kenya. Bước đột phá trong sự nghiệp đến từ tiểu thuyết "Paradise" (1994), được phát triển từ một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi năm 1990.
Đó là một câu chuyện về tuổi mới lớn và một câu chuyện tình buồn, trong đó xảy ra va chạm giữa những thế giới và hệ thống niềm tin khác nhau.
Các tác phẩm đáng chú ý khác của ông là "Desertion" (2005), "By the Sea" (2001)...Quyển tiểu thuyết mới nhất - "Afterlives" (2020) - có tên trong danh sách rút gọn của Giải thưởng Orwell cho tiểu thuyết chính trị năm 2021.
Ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển, đánh giá các tiểu thuyết của Gurnah khiến người đọc biết nhiều hơn đến một nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới.
Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah
Ông Gurnah lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Kent (Anh) năm 1982. Trong giai đoạn 1980-1982, ông giảng dạy tại Trường Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Mãi đến năm 1984, ông mới có thể trở về quê nhà ở Zanzibar để gặp mặt cha không lâu trước khi cha ông qua đời.
Trước khi nghỉ hưu, tiểu thuyết gia này là giảng viên tiếng Anh và văn học hậu thuộc địa tại Trường Đại học Kent, có bài viết về những nhà văn như V.S.Naipaul, Salman Rushdie, Zoë Wicomb...
Giải thưởng Nobel Văn học năm 2021 có giá trị 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,14 triệu USD). Ông Gurnah là người gốc Phi tiếp theo đoạt giải Nobel Văn học kể từ sau khi nhà văn Wole Soyinka (người Nigeria) được vinh danh năm 1986.
Việc trao giải Nobel Văn học năm nay cho một tác giả đến từ châu Phi cho thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn giải thưởng danh giá này trở nên đa dạng hơn. Trong số 117 người đoạt giải kể từ khi giải Nobel Văn học đầu tiên được trao năm 1901 (chưa tính giải năm nay), 95 người là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Theo Người lao động