Mấy đêm vừa rồi, vừa hết giờ học là khoảng 20 em học sinh của lớp học tình thương vội vã xếp tập sách, bàn ghế, dành những khoảng trống để tập múa, tập hát mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Lớp học tình thương hoạt động từ 17 - 19 giờ được đặt tại văn phòng ban điều hành khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Mỗi tiết học rộn ràng tiếng ê a vang vọng khắp của 57 em học sinh.
Hầu hết các em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi cha (mẹ), cha mẹ khó khăn làm đủ nghề lượm ve chai, lượm sắt phế liệu, làm mướn quán ăn...
Tại gian bếp, bảy em nhỏ say sưa múa hát với những bó hoa giả được tận dụng để làm đạo cụ. Còn tại sảnh chính - nơi đặt bàn ghế lớp học, được các em dọn dẹp để dành khoảnh sân trống làm chỗ tập dượt. Những điệu múa được các em tập đi tập lại nhiều lần. Hầu hết các phụ kiện hỗ trợ đều sử dụng "cây nhà lá vườn".
Cô Nguyễn Thị Bảy - tình nguyện viên phụ trách hậu cần của lớp - trở thành đạo diễn cũng như biên đạo múa, uốn nắn từng động tác tay cho các em.
Các động tác cầm hoa, cầm dù tung hứng có lúc còn vụng về nhưng chứa đựng biết bao tấm lòng của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn theo học tại nơi đây.
"Đã nhiều năm rồi, cứ đến Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hầu như không có hoa tươi, không có quà biếu, chỉ có những tấm lòng chân thành của các em để tri ân các thầy cô, tình nguyện viên. Đặc biệt là tri ân bà ngoại Thủy, người sáng lập lớp học tình thương dạy dỗ trẻ em nghèo bất hạnh và hỗ trợ bữa ăn cho gia đình nghèo" - cô Bảy chia sẻ.
"Ngoại Thủy" hay "bà ngoại" đều là tiếng gọi thân thương của các em dành cho người phụ nữ đồng hành với lớp học đặc biệt suốt 8 năm qua. Lớp học ban đầu chỉ có 8 đến 10 em học sinh, theo thời gian, số lượng học sinh lên tới gần trăm em đủ mọi lứa tuổi.
Từ đó bếp ăn tình thương, lớp học tình thương ra đời. Mặc dù độ tuổi của các em khác nhau nhưng tất cả đều nhận được sự yêu thương từ "ngoại Thủy" và những thầy cô tình nguyện viên.
Theo Tuổi trẻ