Tiết lộ những chiêu ''thổi giá'' của môi giới nhà đất

20/03/2021 14:38

Tạo khan hiếm giả, sốt ảo, đầu cơ rồi bán với giá cao là những chiêu thức được nhiều môi giới sử dụng để thổi giá nhà đất.

Thời gian qua, giá bất động sản ở nhiều địa phương tăng cao, sốt đất. Lợi dụng sự cả tin và thiếu kiến thức của nhà đầu tư non kinh nghiệm, một số người môi giới bất động sản tung ra nhiều chiêu trò nhằm đẩy giá nhà, đất lên cao để ăn chênh lệch.

Tạo khan hiếm giả

Đây là một trong những chiêu thức được môi giới nhà đất thường xuyên áp dụng.

Tại nhiều dự án, dù mới chính thức mở bán vài ngày nhưng trong bảng hàng của chủ đầu tư, số lượng căn đã “có chủ” dày đặc, đa số là các căn đẹp tại dự án. Cá biệt có những dự án, vừa mở bán đã có đến 80% số căn có chủ.

Thực tế, số lượng căn đã bán chỉ có người trong cuộc mới rõ, còn khách hàng sẽ bị tâm lý “khan hàng” mà nhanh chóng lựa chọn và xuống tiền 1 căn hộ khá khẩm nhất trong bảng hàng còn lại tại dự án.

Việc tạo ra độ “hot” ảo cho dự án khiến khách hàng có cảm giác “không mua ngay sẽ bị lỡ” rồi tăng giá chênh lệch nhiều so với với mức giá khởi điểm được quảng cáo để kiếm lời là một chiêu thổi giá phổ biến, không hề mới những vẫn lừa được rất nhiều khách hàng “yếu tim” và không nắm nhiều kiến thức về thị trường.

Đánh sóng, tạo sốt ảo


Tạo khan hiếm giả, sốt ảo, đầu cơ rồi bán với giá cao là những chiêu thức được nhiều môi giới sử dụng để thổi giá nhà đất

Trong các kịch bản "đánh sóng", tạo "sốt ảo" này, nhiệm vụ quan trọng của nhân viên tư vấn là phải hù dọa nhà đầu tư, nếu không rót tiền ngay lập tức sẽ đánh mất cơ hội làm giàu cho người khác.

Sau mỗi lần “hét” giá thành công, giá trị thật của bất động sản cộng thêm 2% - 5% sẽ được trả cho chủ đầu tư, số tiền chênh lệch còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ cho bên công ty môi giới và nhân viên tư vấn, tùy thuộc vào thỏa thuận của mỗi bên. Một “cò” đất sẽ nhận được tối đa 40% giá trị tổng lợi nhuận doanh thu mang về.

“Thực ra, dân môi giới còn một kiểu ăn chia khác, phụ thuộc sản phẩm bất động sản. Ví dụ kể trên là áp dụng cho đất nền, còn môi giới nhà thuê, chung cư sẽ có một kiểu ăn chia kiểu khác. Tuy nhiên, dù bất kỳ sản phẩm nào, dân môi giới càng “hét” được nhiều, thì hoa hồng càng cao”, một môi giới cho biết.

Trong kịch bản tạo sốt ảo, chiêu trò đầu tiên và thường xuyên xuất hiện trong 3 năm gần đây chính là cò đất tạo ra các cơn sốt đất giả ở khắp mọi nơi. Ví dụ, như cơn sốt đất ở Đồng Trúc (Hà Nội) vào tháng 4/2020 hoặc cơn sốt tại Bình Đa (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 2.2020.

Chiêu thứ hai là nói khống, nói quá về thông tin dự án. Thậm chí, một số “cò” đất còn tư vấn sai sự thật, tâng bốc thông tin sản phẩm để “bẫy” nhà đầu tư.

Khi sử dụng chiêu trò này, đa phần các dự án đều chưa xong các thủ tục pháp lý, chưa được cấp phép phát triển dự án, nhưng khi qua lời tư vấn của “cò đất", tất cả pháp lý đều đã hoàn thành, nhà đầu tư chỉ cần an tâm rót tiền và cơ hội để chốt lời.

Đầu cơ rồi bán với giá cao

Đây là chiêu thức đầu cơ bất động sản, ôm nhiều sản phẩm “hot”, rồi chờ cơ hội tăng giá, bán phá giá để ăn chênh lệch. Tình trạng này không mới, nhưng diễn biến ngày càng phức tạp khiến thị trường trở nên nhiễu loạn, giá trị bất động sản cũng vì vậy mà bị đẩy lên cao, vượt quá tầm với so với thu nhập của người dân.

Một hình thức khác là bằng việc bỏ vốn “gom” những bất động sản ở khu vực có hạ tầng tốt khi chúng còn rẻ với số lượng lớn sau đó đợi có “sốt đất” xảy ra hoặc thị trường biến động thì “bung hàng” bán với giá cao hơn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc giá bất động sản tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là ở phân khúc đất nền đó là đến từ việc “lướt sóng”. Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra mua một lô đất, sau đó canh thị trường đang lên thì bán lại nhanh với giá cao hơn để kiếm lời trong một thời gian ngắn, rồi người mua lại tiếp tục thực hiện lại “quy trình” đó và cứ như vậy, chẳng mấy chốc giá trị miếng đất đã bị đẩy lên quá cao so với ban đầu.

Theo VTC

(0) Bình luận
Tiết lộ những chiêu ''thổi giá'' của môi giới nhà đất