Một nghệ sĩ trong giới KOLs tiết lộ, có những người giỏi livestream, đạt tương tác cao trên mạng xã hội dễ dàng kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ khai thác tên tuổi và sức ảnh hưởng của mình.
Loạt bài đăng tải về tiền ảo trên trang mạng xã hội hội của các nghệ sĩ nhanh chóng gỡ bỏ trong... im lặng
Không khó để tìm bảng báo giá
Mạng xã hội giúp nghệ sĩ có thêm một cộng đồng luôn sẵn sàng dõi theo mình. Nhiều người có thể hái ra những hoa lợi còn cao hơn cả khoản cát xê họ nhận được sau một đêm diễn.
Ngành influencer marketing - tiếp thị thông qua người có tầm ảnh hưởng là các KOLs (viết tắt của Key Opinion Leaders, thường là người nổi tiếng, có tiếng nói và sức ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng) ra đời tại Việt Nam, đã mang lại nhiều cơ hội về thu nhập lớn cho các nghệ sĩ, điều mà trước đây có thể không mấy ai nghĩ đến.
Không khó để tìm báo giá của những nghệ sĩ sẵn sàng trở thành KOLs cho một nhãn hàng. Thông thường sẽ có 3 hạng mục báo giá mà quản lý KOLs hoặc agency (công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo - đơn vị trung gian) thường báo cho khách hàng, gồm: giá đăng tải và chia sẻ hình ảnh sẵn có của thương hiệu; giá quay clip giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm bằng điện thoại thông minh; giá đăng kèm hình chụp với sản phẩm do thương hiệu cung cấp.
Theo tìm hiểu, nghệ sĩ mới vào nghề, chưa nổi tiếng, giá đăng stastus (dòng trạng thái trên mạng xã hội) dao động từ 5-10 triệu đồng. Phần lớn nghệ sĩ tên tuổi, mức chia sẻ một stastus liên quan đến sản phẩm, dịch vụ trên trang cá nhân của họ có mức chi phí từ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể: NS H.D (từ 35 đến 60 triệu), NS T.L (từ 35 đến 100 triệu), NS H.V (từ 55 đến 70 triệu), Hotgirl C (từ 50 triệu trở lên), diễn viên - ca sĩ HW (30 triệu), NS H.Đ (từ 30 đến 45 triệu), NS H.K (từ 20 đến 30 triệu), DV L.P (từ 25 đến 35 triệu), MC Q.L (từ 60 đến 80 triệu), MC T (từ 55 triệu trở lên)…
Liên quan đến giá cho mỗi nội dung đăng tải giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, thông thường nghệ sĩ sẽ không làm trực tiếp với khách, mà thông qua người quản lý, chuyên gia đặt bài KOLs, hoặc các công ty chuyên tư vấn truyền thông.
Quá trình từ đàm phán đến ký kết hợp đồng rất chuyên nghiệp, các điều khoản chuyên nghiệp, rõ ràng, không cảm tính.
Một nghệ sĩ trong giới KOLs tiết lộ, có những người giỏi livestream và có lượng fan theo dõi, tương tác cao trên mạng xã hội dễ dàng kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ khai thác tên tuổi, thương hiệu cá nhân và sức ảnh hưởng của mình. Đó là lý do nhiều người nổi tiếng chăm chỉ hiện hình trên mạng xã hội, lắm chiêu trò để thu hút người quan tâm theo dõi.
Tối 11.5, một loạt trang cá nhân của nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam như L.B.L, K.M.T, K.N, G.T.K, N.T, N.T… đăng tải bài viết quảng bá về tiền ảo. Những bài đăng tồn tại không lâu và đồng loạt "bốc hơi" vào sáng hôm sau.
Tuy nhiên, các bài viết nhanh chóng được chụp lại, lan tỏa trong các hội nhóm về tiền ảo nhằm lôi kéo nhiều người đầu tư tiền ảo phi pháp.
Rất nhiều người nhận ra các nội dung quảng cáo mà KOLs đang kêu gọi nhuốm đậm mùi tiền. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, một số nghệ sĩ đang thật sự thiếu ý thức và trách nhiệm với cộng đồng.
Nội dung của các bài đăng giống nhau đến cả dấu câu và hastag, cho thấy một số họ chỉ đăng thông tin chứ hoàn toàn chưa từng trải nghiệm. Nghiêm trọng ở chỗ trong các thông tin nghệ sĩ này lan tỏa, có cài cắm quảng bá cho đồng tiền ảo FXT vốn không có xuất xứ rõ ràng.
Cần biết rằng, luật pháp Việt Nam tới thời điểm này không công nhận các loại tiền ảo (tiền kĩ thuật số, tiền mã hóa, tiền điện tử) là tiền tệ và cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán, đồng thời cũng cấm phát hành, cung ứng. Như vậy, tiền ảo đang bị cấm kinh doanh, sử dụng để thanh toán trên thị trường hiện nay.
Trong vụ việc này, có ý kiến cho rằng nghệ sĩ đã kịp sửa sai bằng cách rút toàn bộ nội dung khỏi trang cá nhân. Tuy nhiên, với những hình ảnh chụp được từ trang cá nhân người nổi tiếng có dấu tích xanh, kẻ xấu dễ dàng lợi dụng tên tuổi, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ để chiêu dụ người khác lao vào các sàn đầu tư tiền ảo đa cấp nhiều rủi ro mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm.
Sự "vô tư", "hồn nhiên" này có thể gây hệ lụy khó đong đếm.
Đừng vì "hồn nhiên" mà thiếu trách nhiệm
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói anh từng mất 15.000 USD vì đầu tư vào một loại tiền ảo là Bitconnect.
"Sự việc đăng tải thông tin tiền ảo lên trang mạng xã hội của một số nghệ sĩ cho thấy một số người đã trở thành con cờ của tổ chức mà họ chưa kịp tìm hiểu kĩ. Có thể mọi người không biết rõ chân tướng, trong khi được trả một số tiền quá lớn để chia sẻ thông tin nên sơ sót, không hẳn cố tình rủ rê", tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ, chia sẻ góc nhìn.
Còn theo MC Quốc Bình, các nghệ sĩ nổi tiếng có ảnh hưởng nhất định đối với công chúng nên các phát ngôn của họ luôn lan tỏa, do vậy cần cẩn trọng với những chia sẻ của mình.
"Nghệ sỹ nổi tiếng được hưởng một quyền lợi đặc biệt đó là sự yêu thương của khán giả, vì thế cần có trách nhiệm với sự yêu thương ấy" - MC này bình luận.
Nói về sự việc vừa qua, MC Quốc Bình nhìn nhận sai lầm có thể đến từ những suy nghĩ đơn giản do nghệ sĩ thiếu đi sự suy xét thấu đáo về tác động của mình đối với công chúng.
Còn Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương tiết lộ, chị từng từ chối nhiều dự án có đề nghị hấp dẫn, ngân sách truyền thông lên đến hàng tỷ đồng, cùng lời hứa hẹn về cổ phần.
"Là người làm kinh doanh nhiều năm nên tôi hiểu giá trị của đồng tiền, món gì quá dễ kiếm phải cân nhắc. Công chúng họ tin và nghe theo mình thì mình phải có trách nhiệm chọn lọc để khi đưa tới công chúng là thông tin chính xác, đúng pháp luật", Á hậu Quý bà Thế giới chia sẻ.
Theo Dân trí