Tiết kiệm và tiện ích

09/10/2015 05:17

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí; công tác quản lý giáo dục cũng được thuận tiện, nhanh chóng, chính xác...




Sử dụng phần mềm quản lý điểm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
có thể cập nhật, quản lý điểm số của học sinh một cách dễ dàng


Ngành giáo dục có đội ngũ nhân lực và số lượng học sinh cần quản lý thuộc diện lớn nhất trong các ngành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp công tác quản lý giáo dục được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác hơn.

Giảm thời gian và chi phí

Khi Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về đánh giá học sinh tiểu học quy định dùng nhận xét chứ không dùng điểm được ban hành, giáo viên các trường tiểu học rất lo lắng. Thay vì chấm điểm, ghi điểm vào sổ, các giáo viên phải nhận xét từng học sinh bằng lời, mất khá nhiều thời gian, nhất là với những giáo viên bộ môn phải dạy nhiều lớp. Sang năm học 2015-2016, sự vất vả này của giáo viên tiểu học đã được giải tỏa khi phần mềm quản lý điểm học sinh tiểu học được chỉnh sửa theo Thông tư 30 và triển khai tới tất cả các trường trong tỉnh. Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương) phấn khởi cho biết: “Phần mềm điểm được chỉnh sửa khiến giáo viên bớt được nhiều nỗi lo. Gõ bằng máy tính nhanh và chính xác hơn viết tay, một số nhận xét học sinh tương tự nhau thì có thể sao chép rồi chỉnh sửa cho phù hợp. Ban giám hiệu quản lý chất lượng học sinh cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn, có thể kiểm soát được cả những sửa chữa của giáo viên”.

Ở các cấp THCS, THPT vẫn đánh giá học sinh bằng điểm thì phần mềm quản lý điểm không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian mà còn bảo đảm được tính chính xác của dữ liệu. Thầy giáo Nguyễn Chí Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Trước đây, học kỳ nào cũng có giáo viên làm điểm bị sai dù các thầy cô đã rất cẩn thận, mất nhiều công sức. Ban giám hiệu phải kiểm tra tất cả sổ điểm, cũng rất vất vả. Cuối học kỳ thường là thời điểm căng thẳng với tất cả giáo viên. Phần mềm quản lý điểm đã giải quyết hết những khó khăn này. Giáo viên chỉ cần nhập chính xác điểm, những thao tác tính điểm, xếp loại học lực đều do phần mềm tính toán. Cuối năm chỉ việc in điểm ra cho học sinh”. Nhà trường còn tích hợp phần mềm quản lý điểm với sổ liên lạc điện tử, để mỗi khi hết tháng, kết quả học tập của học sinh tự động gửi tới cho phụ huynh. Nhờ vậy, cha mẹ học sinh có thể kiểm soát được dễ dàng kết quả học của con em mình.

Trong những năm gần đây, hệ thống phần mềm quản lý trường học đã được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Trong đó có nhiều ứng dụng được tích hợp như quản lý điểm, quản lý thư viện, quản lý học sinh... Các ứng dụng này thường xuyên được cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn. Sự thay đổi phần mềm quản lý điểm học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là một ví dụ. Ngoài ra còn có các phần mềm quản lý phổ cập giáo dục, phần mềm quản lý kiểm định chất lượng (đang được áp dụng cho bậc học mầm non), phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, phần mềm quản lý tài sản đã được triển khai rộng rãi tới tất cả các cơ sở giáo dục. Từ năm học 2015-2016, phần mềm quản lý kiểm định chất lượng sẽ được triển khai ở các bậc học còn lại, hệ thống kết nối trường học cũng đang bắt đầu được đưa vào sử dụng.

Theo ông Vũ Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên và công nghệ thông tin (Sở GDĐT), các phần mềm được ngành giáo dục Hải Dương áp dụng hiện nay đều sử dụng công nghệ hiện đại. Các trường chỉ cần có máy tính kết nối internet là có thể sử dụng, không cần có đĩa cài đặt như trước đây. Nhờ vậy, giảm được cả thời gian và chi phí cài đặt, bảo dưỡng. Mỗi giáo viên, cán bộ được cấp một tài khoản, phân cấp theo trách nhiệm của mỗi người. Ví dụ, các giáo viên chỉ nhập được điểm học sinh mình quản lý, hiệu trưởng chỉ chỉnh sửa được các thông tin trong trường mình... Tính bảo mật của thông tin được bảo đảm bằng nhiều biện pháp nên từ khi áp dụng đến nay, chưa có sự cố nào xảy ra.



Giáo viên tin học thường kiêm nhiệm phụ trách về công nghệ thông tin trong các nhà trường


Quản lý dễ dàng

Sở GDĐT đã thiết kế cho mỗi Phòng GDĐT một website với giao diện, tiện ích giống nhau. Khai thác những chức năng của website này giúp việc quản lý của các phòng nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn. Ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng Phòng GDĐT huyện Cẩm Giàng cho biết: “Chúng tôi đăng các công văn của ngành trên website, cán bộ, giáo viên các trường vào đọc rất nhanh. Kể cả các giấy tờ các trường gửi về phòng đều scan rồi gửi qua email, những gì cần thiết thì gửi bản chính sau. Việc chỉ đạo và phối hợp giữa phòng với các trường nhanh chóng hơn trước rất nhiều”.  

Từ khi các phần mềm giáo dục được đưa vào sử dụng, việc quản lý thuận lợi, dễ dàng hơn cách làm truyền thống bằng sổ sách. Thông qua phần mềm quản lý điểm, Ban giám hiệu các trường theo dõi được tiến độ nhập điểm, đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Khi giáo viên muốn sửa chữa điểm do lúc nhập sai sót, sẽ phải thông qua sự giám sát của ban giám hiệu. Tính chính xác của điểm số, quyền lợi của học sinh được bảo đảm. Mỗi giáo viên chỉ cần nhìn vào kết quả thể hiện trên phần mềm là tự đánh giá được chất lượng chung của lớp học, từ đó có sự điều chỉnh trong giảng dạy cho phù hợp. Bên cạnh phần mềm, hiện nay nhiều trường học còn dùng hệ thống camera lắp đặt tại các lớp học để theo dõi giờ dạy, quản lý học sinh một cách bao quát. Hình ghi được lưu lại trong thời gian tới vài tháng nên nếu có sự cố xảy ra thì có thể dễ dàng xem lại để xử lý.

Các phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, quản lý tài sản giúp cho lãnh đạo ngành giáo dục nắm bắt được nhanh chóng và toàn diện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của cấp mình quản lý. Các trường có bao nhiêu giáo viên, trình độ, ngày vào ngành, ngày nâng lương... đều được thể hiện trên hệ thống. Từ đó, quyền lợi của giáo viên cũng được bảo đảm, không bị sai sót, nhầm lẫn. Phần mềm phổ cập giáo dục giúp theo dõi thông tin về giáo dục những người từ 60 tuổi trở xuống như số lượng người đi học các cấp, tỷ lệ xóa mù chữ, tỷ lệ phổ cập giáo dục các cấp... Sử dụng phần mềm này, dữ liệu ở các đầu mối phải khớp nhau thì mới cập nhật được nên tính chính xác của số liệu đạt tới mức 100%.

Tuy nhiên, có những phần mềm quá đông người truy cập như phần mềm phổ cập giáo dục dẫn đến bị nghẽn mạng, khiến các giáo viên rất khó khăn trong nhập liệu. Ở các trường hiện nay thường chỉ có 1-2 giáo viên tin học hỗ trợ việc quản trị dữ liệu các phần mềm và website chứ không có người chuyên trách nên việc khai thác tính năng các phần mềm còn hạn chế. Để các ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát huy hiệu quả, ngành giáo dục cần tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở và nhân lực tương xứng với sự phát triển công nghệ.

VIỆT HÒA


(0) Bình luận
Tiết kiệm và tiện ích