Bộ Y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trong cả nước, đặc biệt tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tái bùng phát cao; tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về các tiêu chí phân loại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 276/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo xử lý trong phòng chống dịch sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Thông báo nêu rõ, các địa phương, các bộ ngành đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các địa phương vừa phải bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh vừa phải bảo đảm lưu thông thuận tiện trong khi tỷ lệ người đến từ một số khu vực đã bị nhiễm nặng vừa qua được phát hiện là khá cao.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế tài chính; mua sắm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, một mặt các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, mặt khác các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương bám sát thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, hỗ trợ thực chất cho các địa phương.
Bộ Y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trong cả nước, đặc biệt tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tái bùng phát dịch cao; tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về các tiêu chí phân loại, đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình, trong đó lưu ý thực trạng một số tỉnh, thành phố vừa qua dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng nên dù đã kiểm soát được dịch bệnh (theo tiêu chí hiện hành do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng rủi ro mầm bệnh trong cộng đồng cao hơn các địa phương khác.
Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc cần xác định các địa bàn tuy không thuộc vùng phong tỏa, cấp độ nguy cơ cao, rất cao (theo tiêu chí do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp dịch tễ cần thiết, phù hợp (như xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế...) đối với người đi từ các địa bàn này để tránh dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác trong cả nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19; Kế hoạch bảo đảm vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; hướng dẫn thủ tục cung cấp vaccine sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị liên quan trong ngành Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để thúc đẩy tiến độ các dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế để có thể chủ động đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Bộ cũng thực hiện phân bổ vaccine theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung trước một bước cho các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn và các địa bàn có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải bảo đảm không ngưng trệ, đứt gãy, hoặc phải tái khởi động lại; tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn.
Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc đã có chủ trương của cấp trên; đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong đó chú ý: Cơ chế, nguồn thanh toán lương và các chi phí cho các cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) tham gia chống dịch; cơ chế thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt các bệnh nhân có nhiều bệnh.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền; đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền về cơ chế hạch toán đối với các khoản chi phí của doanh nghiệp cho phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế và chính quyền; đối với các khoản đóng góp cho công tác chống dịch ngoài doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ việc kiểm soát di chuyển của người dân đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đồng thời đảm bảo thuận tiện cho người dân và an toàn an ninh thông tin, dữ liệu của người dân.
Bộ Y tế tăng cường công tác cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, đầy đủ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Lưu ý phản ánh đầy đủ, toàn diện yêu cầu “thích ứng an toàn, linh hoạt” đồng thời “kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; trong thích ứng phải vừa “linh hoạt,” vừa “an toàn”.
Theo TTXVN