Tin tức

Tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi và xét nâng ngạch công chức

T.H (Tổng hợp) 07/08/2024 21:40

Bộ Nội vụ cho biết đang đề xuất tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận giao dịch một cửa xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La)

Nhằm tiếp tục thực hiện cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính theo đúng chủ trương bảo đảm “phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm” tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và giảm gánh nặng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ cho biết đang đề xuất tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức).

Quy định cụ thể nguyên tắc về xét nâng ngạch đối với công chức

Bộ Nội vụ rà soát, chỉnh lý quy định về thẩm quyền thi nâng ngạch theo hướng phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quyết định việc tổ chức mà không phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án môn Kiến thức chung và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức xem xét, quyết định xây dựng đề thi môn Kiến thức chung; không tiếp tục quy định nội dung Bộ Nội vụ cung cấp phần mềm để tổ chức các kỳ thi nâng ngạch cho các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tính chủ động cho các cơ quan, tránh tình trạng vướng mắc khi phải có phần mềm của Bộ Nội vụ cung cấp mới có thể tổ chức thi nâng ngạch.

Các trường hợp xét nâng ngạch công chức là: có thành tích trong hoạt động công vụ được cấp có thẩm quyền công nhận; được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ cho biết, nguyên tắc xét nâng ngạch công chức là người được xét nâng ngạch phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; văn bằng, chứng chỉ và các yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và đang giữ ngạch liền kề với ngạch dự kiến bổ nhiệm của ngạch dự kiến bổ nhiệm; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Việc xét nâng ngạch đối với công chức có thành tích trong hoạt động công vụ phải bảo đảm phù hợp với cơ cấu ngạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành tích đạt được phải trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ (không tính ngạch tương đương) và bảo đảm bố trí làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với ngạch được xét.

Việc xét nâng ngạch đối với công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào chức vụ, chức danh được bổ nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) của cơ quan sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch đối với công chức khi đáp ứng quy định.

Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được xét nâng ngạch và lưu giữ, quản lý hồ sơ xét nâng ngạch của công chức theo quy định của pháp luật.

Giảm bớt điều kiện khi xét nâng ngạch

Theo Bộ Nội vụ, yêu cầu điều kiện để được xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ cũng được thay đổi nhiều theo hướng giảm bớt các điều kiện, thuận lợi, dễ dàng hơn cho công chức. Nếu như trước đây, điều kiện xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương, công chức phải được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì nay chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện. Một là được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong công tác và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch. Hai là có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 1 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tương tự, với xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, thay vì phải đáp ứng đồng thời các điều kiện “được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương” như trước, công chức chỉ cần đáp ứng điều kiện được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch; hoặc được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh và có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 1 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để được xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, điều kiện đặt ra là công chức phải được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên và có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 1 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trong khi quy định hiện hành là phải được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Cũng theo Bộ Nội vụ, Bộ này đang đề xuất quy định xét nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương khi được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh: Thứ trưởng và tương đương; tổng cục trưởng và tương đương, phó tổng cục trưởng và tương đương thuộc bộ; vụ trưởng và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc UBND cấp tỉnh.

Xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương khi được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh: Vụ trưởng và tương đương thuộc tổng cục thuộc bộ; phó vụ trưởng và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục thuộc bộ; phó giám đốc sở và tương đương thuộc UBND nhân dân cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương.

Các chức vụ, chức danh tương đương trong các cơ quan của HĐND, các cơ quan của Đảng, đoàn thể được áp dụng quy định này. Việc xét nâng ngạch theo quy định trên không áp dụng đối với người được giao quyền hoặc giao phụ trách điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị.

T.H (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi và xét nâng ngạch công chức