Cải cách hành chính

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã

PHONG TUYẾT - THÀNH ĐẠT 12/04/2025 11:00

Khi bỏ cấp huyện, cấp xã cần có quyền lực, công cụ để thực hiện việc quản lý, phát triển tại địa bàn. Việc cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật là điều kiện cần thiết.

00:00

binh-xuyen.jpg
Lãnh đạo UBND xã Bình Xuyên (Ninh Giang) và công chức Tư pháp - Hộ tịch xã nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật của xã

Phù hợp thực tế

Từ ngày 1/4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có hiệu lực thi hành với nhiều quy định mới.

Trong đó, tại điều 4 luật này quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.

Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.

Theo thực tiễn hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của cấp xã hiện nay thì đây được đánh giá là một quy định hợp lý.

luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so.jpg
Thời gian qua, cấp xã ở Hải Dương chỉ ban hành văn bản quy phạm là quyết định ban hành quy chế thực hiện dân chủ trên địa bàn xã, phường, thị trấn mới theo quy định. Trong ảnh: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lấy ý kiến tham gia xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (ảnh tư liệu)

Trong nhiều năm, UBND xã Đông Xuyên cũ (nay là xã Bình Xuyên, huyện Ninh Giang) chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là quyết định ban hành quy chế thực hiện dân chủ trên địa bàn xã Đông Xuyên vào ngày 18/10/2024.

Theo ông Vũ Văn Kiền, Chủ tịch UBND xã Bình Xuyên, việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã hiện nay là hợp lý.

"Từ trước đến nay, cấp xã vẫn chủ yếu là cấp thực hiện, khó ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho địa bàn mình. Hơn nữa, chất lượng cán bộ, công chức còn hạn chế nên khó xây dựng, thẩm định, bảo đảm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng quy định, có chất lượng cao. Việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã hiện nay sẽ bảo đảm sự thống nhất về thực hiện chính sách, quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Kiền đánh giá.

Đây cũng là thực trạng chung về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Cần sửa đổi khi bỏ cấp huyện

Theo quy định, phân cấp và tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp tỉnh, huyện, xã như hiện nay và thực tế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã trong thời gian qua, việc bỏ thẩm quyền ban hành của cấp xã là hợp lý.

Tuy nhiên, tới đây khi thực hiện tổ chức lại chính quyền địa phương còn 2 cấp, quy định này cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới đây sẽ xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh (cấp cơ sở, hoặc cấp xã).

Cấp xã có thể sẽ đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.

so-tu-phap.jpg
Phòng Xây dựng và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp Hải Dương đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Như vậy, quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương là cấp tỉnh, huyện sẽ có những nội dung không còn phù hợp và cần kịp thời sửa đổi, bổ sung để thống nhất với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Hiện nay, cơ quan soạn thảo đang xây dựng dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Bà Vũ Thị Nga, Trưởng Phòng Xây dựng và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp Hải Dương đánh giá việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã để phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương mới là cần thiết.

"Tới đây, khi thực hiện bỏ cấp huyện, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, chính quyền các xã, phường, thị trấn có thể sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ của cấp huyện hiện nay. Khi đó, cấp xã cần có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có công cụ, quyền hạn nhằm phục vụ cho việc quản lý, điều hành, phù hợp với sự phân cấp, phân quyền và đặc biệt là có chính sách phát triển kinh tế - xã hội với địa phương mình, giảm tải cho cấp tỉnh khi không còn cấp huyện", bà Nga đánh giá.

Đồng thời, theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cấp xã có thể có các phòng chuyên môn, trong đó có phòng phụ trách chức năng, nhiệm vụ về tư pháp. Khi bỏ cấp huyện, cấp xã sẽ được bố trí thêm cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn, trình độ cao.

Với những điều kiện đó, cấp xã sẽ có thêm nguồn lực để xây dựng, thẩm định, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội theo điều kiện thực tiễn, đặc thù ở địa phương.

Theo số liệu rà soát của Sở Tư pháp Hải Dương, 207 xã, phường, thị trấn trong tỉnh hiện có 162 văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực. Đáng chú ý, các văn bản này đều là quyết định ban hành quy chế thực hiện dân chủ trên địa bàn xã, phường, thị trấn mới được ban hành theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

PHONG TUYẾT - THÀNH ĐẠT
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã