Sáng 25.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao những cố gắng của ngành tư pháp trong năm 2017. Chủ tịch nước đề nghị trong năm 2018, ngành tư pháp cần tiếp tục chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là về xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Ngành chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII).
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ngành tư pháp cần tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, góp phần hạn chế những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Chủ tịch nước yêu cầu toàn ngành siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức...
Năm 2017, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Đặc biệt, không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải thiện.
PV