Để nâng cao giá trị sản xuất vụ đông (SXVĐ), các địa phương trong tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng.
Nhiều địa phương trong tỉnh tích cực hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất vụ đông
Thúc đẩy sản xuấtLà địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện canh tác nhưng SXVĐ của huyện Bình Giang luôn đuối sức so với những địa phương khác. Lý giải về điều này, ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Nếu như huyện luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh về sản xuất lúa hàng hóa tập trung thì trong gieo trồng vụ đông lại gặp nhiều khó khăn. Nông dân ngại làm vụ đông không chỉ do địa phương không có truyền thống trồng các loại cây vụ đông chủ lực của tỉnh như hành, tỏi, su hào, cải bắp mà còn vì khâu tiêu thụ nông sản bấp bênh. Vì vậy, dù được giao kế hoạch SXVĐ thấp, chỉ khoảng 300 ha song nhiều năm nay, huyện không hoàn thành chỉ tiêu đề ra". Trước thực trạng này, để vực dậy SXVĐ, huyện Bình Giang chủ trương hỗ trợ 100.000đồng/sào tiền mua giống đối với vùng trồng khoai tây có quy mô từ 2ha trở lên, 50.000 đồng/sào cho vùng trồng ngô, dưa chuột, bí xanh từ 3 ha trở lên.
SXVĐ vốn là thế mạnh của huyện Kinh Môn, nông dân nơi đây có trình độ thâm canh hành, tỏi cao. Mặc dù vậy, huyện vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân SXVĐ. Huyện khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng tỏi, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến thực phẩm chức năng bằng cách hỗ trợ 10triệu đồng/ha cho mô hình trồng tỏi có quy mô từ 1-3 ha/vùng. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngoài hỗ trợ, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng sản xuất, quy hoạch những vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao. Vụ đông này, huyện phấn đấu xây dựng 100 mô hình trồng tỏi và rau màu VietGAP.
Hải Dương là tỉnh điển hình về SXVĐ của miền Bắc nhưng quy mô sản xuất lại không đồng đều giữa các địa phương. Trong khi SXVĐ ở một số nơi diễn ra sôi động thì nhiều khu vực lại trầm lắng, chưa tạo được sức hút với người dân. Do vậy, để thúc đẩy SXVĐ năm nay, UBND tỉnh đề ra nhiều mức hỗ trợ cho các vùng chuyên canh rau màu, sản xuất theo quy trình VietGAP và mô hình tích tụ ruộng đất với mức hỗ trợ cao nhất là 9,5 triệu đồng/ha.
Tăng cường liên kếtViệc hỗ trợ để nông dân gắn bó với SXVĐ chỉ là giải pháp bước đầu. Muốn SXVĐ ổn định, bền vững cần có định hướng lâu dài, trong đó tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản sẽ mang tính quyết định. Theo ông Lê Xuân Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Hưng (Gia Lộc), do không chủ động được đầu ra cho nông sản nên tại nhiều nơi, nông dân bỏ bê SXVĐ. Điều này dẫn đến lãng phí lớn trong sử dụng đất đai, làm giảm giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Chính vì vậy, ngoài vận động bà con tích cực sản xuất, HTX cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu rau màu. Có như vậy, nông dân mới yên tâm sản xuất, không phải thấp thỏm về thị trường tiêu thụ. Vụ đông này, HTX kết nối với doanh nghiệp để trồng ngô ngọt và ngải cứu xuất khẩu. Người dân được cung ứng vật tư nông nghiệp, giảm bớt nỗi lo về chi phí sản xuất nên rất phấn khởi. "Nếu liên kết suôn sẻ thì nông dân sẽ không còn lơ là, chểnh mảng với SXVĐ", ông Minh khẳng định.
Nông dân Kinh Môn làm vụ đông
Ngoài tạo điểm tựa vững chắc cho người dân bằng cách hỗ trợ trong khâu sản xuất thì việc khơi thông đầu ra sản phẩm là yếu tố quyết định giúp SXVĐ tại nhiều địa phương khởi sắc. Hiện nay, nông dân các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ... đang liên kết với doanh nghiệp để SXVĐ, bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và các địa phương triển khai hỗ trợ vụ đông góp phần khích lệ nông dân sản xuất, tránh tình trạng bỏ ruộng hoang. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất phải được tính toán, lựa chọn những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, không được thực hiện tràn lan, ồ ạt để rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá.
So với các vụ trước, vụ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mong muốn hợp tác với nông dân Hải Dương SXVĐ. Đây là cơ hội nhưng nông sản phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, các địa phương không chỉ cần quan tâm tới quy mô sản xuất mà còn phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới khai thác được tối đa tiềm năng SXVĐ của từng nơi.
PV