Tiếp một vụ mùa thắng lợi

14/10/2010 05:10

Năng suất lúa mùa năm nay ước đạt 58 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái (57,1 tạ/ha). Một số huyện có năng suất đạt cao, khoảng 60 - 62 tạ/ha, như: Thanh Miện, Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà.


Năng suất lúa mùa ở huyện Thanh Hà ước đạt 60 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái. Trong ảnh: Nông dân thôn Đại Điền, xã Hồng Lạc thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thành Chung

Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, nông dân trong tỉnh khẩn trương làm đất gieo cấy lúa mùa. Rút kinh nghiệm từ vụ xuân, ở vụ mùa này, nông dân đã chú ý tuân thủ lịch gieo cấy. Đa số nông dân trong tỉnh gieo cấy tập trung từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, đúng lịch thời vụ. Một số xã của huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ thường có tập quán cấy muộn, không đúng lịch thời vụ ở những năm trước, thì nay đã có chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, cho biết: Những vụ mùa trước, nông dân trong huyện thường cấy trà mùa trung khá muộn và kéo dài, nên bị sâu đục thân gây hại mạnh. Vụ mùa năm nay, cơ quan chức năng của huyện chỉ đạo nông dân cấy trà mùa trung sớm hơn, cấy tập trung. Vì thế, lúa mùa trung đã hạn chế tối đa sâu đục thân gây bông bạc.

Do chính sách hỗ trợ giá giống lúa lai có một số bất cập nên tỉnh ta không thực hiện trợ giá giống trong vụ mùa này. Trong vụ mùa, tỉnh cũng không khuyến khích việc gieo cấy quá nhiều diện tích lúa lai, vì giống này dễ bị nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khi có giông, bão. Toàn tỉnh gieo cấy được 3.277ha lúa lai, chiếm 5,2% tổng diện tích lúa mùa, giảm 4.536ha so với vụ mùa 2009 (năm tỉnh hỗ trợ 50% giá mua một số giống lúa lai). Tuy nhiên, so sánh diện tích lúa lai vụ này với vụ mùa 2008 (năm tỉnh không trợ giá mua giống), thì diện tích lúa lai vẫn cao hơn 1.435ha. Điều này cho thấy, nông dân đã bước đầu tin tưởng sử dụng giống lúa lai trong sản xuất.

Các giống lúa chất lượng cao vẫn tiếp tục duy trì ưu thế về diện tích khi chiếm 33,1% tổng diện tích gieo cấy. Giống Bắc thơm số 7 vẫn giữ vị trí số 1 về diện tích, chất lượng gạo ngon, bán được giá trong bộ giống lúa chất lượng cao. Các huyện điển hình thâm canh lúa chất lượng cao trong vụ mùa năm nay là: Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Nam Sách. Nhiều huyện đã khảo nghiệm một số giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn nhằm đẩy nhanh thời vụ, tạo điều kiện mở rộng diện tích vụ đông sớm.

Trà mùa sớm chiếm 34,2% diện tích, trà mùa trung chiếm 61,7%, còn lại 4,1% trà muộn. Nhìn chung, cơ cấu trà bảo đảm kế hoạch đề ra và không có biến động nhiều so với vụ mùa năm ngoái. Cơ cấu trà hợp lý, bảo đảm khoảng 1/3 diện tích thu hoạch lúa mùa sớm để có điều kiện trồng cây vụ đông sớm. Phương thức gieo cấy mạ sân, gieo thẳng chiếm 66,9% tổng diện tích, tăng gần 2.000ha so với vụ trước. Việc tăng diện tích gieo thẳng, mạ sân giúp tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa và có nhiều diện tích để sản xuất vụ đông.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác được áp dụng ở vụ mùa này. Trong kỹ thuật bón phân, nông dân chuyển dần sang bón phân tổng hợp, cân đối NPK, phân chuyên dùng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, đồng thời giảm bón phân đơn. Mô hình canh tác 5 giống lúa lai (Thiên nguyên ưu 16, Nghi hương 305, Thiên ưu 1025, VT404, Bắc ưu 903 kháng bạc lá) trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, với quy mô 290ha bước đầu cho kết quả khả quan. Mô hình sản xuất lúa T10 theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Bình Giang tiếp tục được duy trì.

Đầu vụ mùa, các cơ quan chức năng đã cảnh báo về nguy cơ lúa sẽ bị bệnh lùn sọc đen gây hại. Đây là một loại bệnh mới, rất nguy hiểm và đã từng xuất hiện ở những vụ sản xuất trước. Tuy nhiên, do làm tốt việc phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng (vật môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) ngay từ đầu vụ, nên tỉnh ta đã không để bệnh này gây hại trên diện rộng. Giữa vụ mùa xuất hiện một đợt sâu cuốn lá lứa 5 gây hại trên diện rộng, mức độ hại nặng nhất trong 10 năm trở lại đây. Các cấp, ngành trong tỉnh đã khẩn trương hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời, bảo vệ an toàn cho bộ lá đòng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa mùa ước đạt 58 tạ/ha (vụ mùa năm ngoái đạt 57,1 tạ/ha). Một số huyện có năng suất đạt cao, khoảng 60 - 62 tạ/ha, như: Thanh Miện, Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà.

Tuy vậy, sản xuất vụ mùa này cũng bộc lộ một số hạn chế, cần  được khắc phục trong những vụ sản xuất tiếp theo. Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Thời kỳ cuối vụ, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện dày đặc, mật độ rất cao, sức gây hại lớn và liên tục. Mặc dù cơ quan chuyên môn phát hiện sớm, thông tin kịp thời, nhưng hiệu quả diệt trừ rầy chưa cao. Nguyên nhân là do lúa vụ mùa rất tốt, nên rầy có nguồn thức ăn dồi dào; mật độ rầy đạt mức cao nhất trong nhiều năm gần đây; các lứa rầy gối nhau liên tục. Nhiều ruộng lúa không có nước nên việc diệt trừ rầy càng khó khăn hơn. Nhiều nông dân không kịp phòng, trừ hoặc phun trừ không theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật) nên đã xảy ra hiện tượng "cháy rầy", làm giảm đáng kể năng suất lúa mùa. Bài học kinh nghiệm cần rút ra là cơ quan chuyên môn cần có các phương án đối phó cụ thể khi rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát thành dịch lớn". Trong sử dụng giống lúa, nhiều nông dân vẫn gieo cấy các giống lúa ngoài bộ giống lúa đã quy định. Một số nơi để xảy ra tình trạng nông dân gieo cấy đại trà giống lúa mới được khảo nghiệm...

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp một vụ mùa thắng lợi