Tiếp cận vốn giá rẻ, doanh nghiệp muốn ưu đãi nhiều hơn

11/04/2020 19:31

Mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song điều kiện vay các gói tín dụng ưu đãi khá phức tạp, bên cạnh đó, DN vẫn mong muốn được ưu đãi hơn để hồi phục sản xuất.

DN tiếp cận vốn rẻ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.4, hàng loạt ngân hàng công bố các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện có 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đã giảm tối thiểu 2 điểm % lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Nhiều tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho cả những khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. Điều này sẽ hỗ trợ cho DN trong lúc khó khăn vì dịch Covid-19.

Nhiều DN chia sẻ đến nay họ đã được các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số DN cơ khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho hay các khoản vay hiện hữu và vay mới đều được ngân hàng giảm lãi 2 điểm %. Với lĩnh vực cơ khí, trước đây vay vốn kỳ hạn 6 tháng lãi suất ở mức 9%/năm nay giảm còn 7%/năm, giúp DN đỡ khó khăn phần nào.

Không tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ, không ít doanh nghiệp phải chấp nhận vay nóng

Tuy nhiên, các DN cho rằng để hồi phục sau dịch bệnh, họ cần được ưu đãi hơn nữa. Chẳng hạn, với vốn lưu động, nếu một DN được vay 100 tỷ đồng/năm thì mức giảm lãi như trên cũng chỉ giúp giảm được 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, các DN cơ khí vẫn không được giãn thời hạn trả nợ cho các khoản vay hiện hữu với lý do các khoản được vay đều có thời hạn từ 6 tháng trở lên, vì vậy phải trả nợ đúng hạn.

Trong tình hình hiện nay, doanh thu giảm mạnh, một số DN đã phải vay khoản mới để trả cho khoản cũ tới hạn, nhưng DN không đủ tài sản bảo đảm sẽ gặp khó khăn. Nếu không xoay được tiền trả đúng hạn sẽ bị chuyển nhóm nợ, sau này khó vay được vốn.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cho biết: "Nhiều chủ DN là bạn bè tôi tiết lộ phải vay nóng bên ngoài bởi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi lãi suất vay ngoài rất cao, 1 triệu mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày".

Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khi trao đổi với các DN hội viên, về cơ bản các ngân hàng có giảm lãi nhưng cần phải sớm tiến hành cơ cấu lại nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.

DN muốn ưu đãi nhưng ngân hàng cũng khó khăn

Nhiều DN cho biết, để tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, ngân hàng vẫn đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì tình huống dịch bệnh. Ngân hàng vẫn đòi tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động... 

Thực tế, điều kiện để tham gia các gói tín dụng hiện đều rất phức tạp

Một số DN cho biết ngân hàng yêu cầu họ phải phải chứng minh là khó khăn do Covid-19, nhưng chứng minh như thế nào, lấy tiêu chí nào để được là đối tượng hưởng ưu đãi, tất cả vẫn chưa rõ ràng.

Báo cáo của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mới đây cho thấy dù Chính phủ và các bộ, ngành rất quyết liệt trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nhưng khâu thực thi còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, ở một số địa phương, DN muốn giãn nợ phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho...

Phía các ngân hàng thì cho rằng nhu cầu giảm lãi và cơ cấu nợ của khách hàng hiện quá lớn nên phải khảo sát, đánh giá kỹ đúng đối tượng. Các ngân hàng phải tự cân đối giảm lãi, giảm phí trong khả năng tài chính của mình bởi họ cũng gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại đưa ra nhận định: gói tín dụng đã có, vấn đề nằm ở cách tiếp cận. Việc này lại đang nằm ở quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại, trong khi các ngân hàng thương mại cũng khó khăn do dịch bệnh, chưa kể sức ép về lợi nhuận và kết quả kinh doanh.

Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế do nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân vừa thực hiện cho thấy nếu Covid-19 kết thúc ở tháng 4, chỉ có khoảng 0,8% số DN có khả năng phá sản và 49,2% vẫn duy trì hoạt động; kéo dài tới tháng 6, sẽ có 6,1% số DN phá sản và 14,9% duy trì hoạt động; kéo dài tới tháng 9, có 19,35% DN phá sản và 8,6% duy trì hoạt động; còn kéo đến hết tháng 12, sẽ có tới 39,3% DN phá sản và chỉ có 7,4% số DN duy trì hoạt động. Như vậy, các ngân hàng cũng chịu thiệt hại lớn nếu hàng trăm nghìn DN không có khả năng trả nợ.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp cận vốn giá rẻ, doanh nghiệp muốn ưu đãi nhiều hơn