Nếu theo ngôn ngữ được cải tiến thì "Luật Giáo dục" đổi thành “Luật Záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”…
Những ngày qua, đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và phương pháp dạy - học phổ thông đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền là giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ. Bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin là F, J, W, Z. Đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = d, gi, r... Nếu theo ngôn ngữ được cải tiến thì "Luật Giáo dục" đổi thành “Luật Záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”…
Chúng ta dường như đã quá quen với những đề xuất đổi mới trong lĩnh vực giáo dục. Phải thừa nhận nhiều đổi mới rất tích cực, làm thay đổi căn bản việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu như cách đây một vài chục năm, chúng ta vẫn quen với việc đọc - chép, giáo viên là trung tâm của lớp học. Học sinh chủ yếu học lý thuyết chay, điều kiện thực hành còn rất hạn chế... thì nay phương pháp dạy đã tăng phần thực hành, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn, gợi mở cho học sinh tự khám phá... Gánh nặng thi cử cũng ngày càng giảm. Trước đây, cứ đến tháng 6, tháng 7 hằng năm là những nhà có học sinh lớp 12 lại mất ăn mất ngủ, hao tiền tốn thời gian để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó lại khăn gói lên Thủ đô ăn dầm nằm dề cả tháng trời để sôi kinh nấu sử trong các lò luyện thi ngàn ngạt người. Nay, kỳ thi THPT quốc gia đã thành "2trong 1", thí sinh huyện nào thi ngay ở huyện đó...
Tuy nhiên vẫn có không ít sáng kiến cải cách giáo dục vấp phải sự phản đối của dư luận hay gây nhiều tranh cãi. Ví dụ việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở tiểu học (Thông tư 30), khuyến khích áp dụng mô hình trường học mới VNEN, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại… Nhưng có lẽ ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền là bị "ném đá" nhiều nhất, mạnh mẽ nhất. Nhiều người cho rằng đề xuất này không phải “cải tiến” mà là “cải lùi”. Và nếu việc cải cách chữ viết tiếng Việt được thực thi thì hệ thống Hiến pháp, sách giáo khoa, tài liệu công dân ở các cơ quan chức năng... đều phải in lại. Kể cả đồng tiền quốc gia cũng phải được in và phát hành lại. Bản thân mỗi công dân Việt Nam cũng phải học lại từ đầu để nắm cấu trúc của chữ quốc ngữ mới. Kinh phí, công sức chi cho sự thay đổi này thật khó tưởng tượng nổi.
Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức khẳng định sẽ không cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Tôi rất thích bài "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ: "Ta như chim trong tiếng Việt như rừng", "Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người/Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ", "Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt"... Tiếng Việt không chỉ đẹp mà còn vô cùng phong phú. Mỗi vùng miền đặc trưng lại có những cách phát âm khác nhau góp phần làm cho hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt càng thêm thú vị. Có câu: "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nhưng dù có khó, có phức tạp đến mấy thì người ta vẫn cứ yêu tiếng Việt, say sưa khám phá nó. Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ mà đã trở thành linh hồn, thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Chúng ta đều hiểu cái mới bao giờ cũng cần phải có thời gian để kiểm nghiệm, để chứng minh. Sự tiến bộ, phát triển của xã hội loài người đều bắt nguồn từ những phát minh, cải tiến, từ những ý tưởng ban đầu bị mọi người cho là "điên rồ"... Nhưng sự "điên rồ" của PGS.TS Bùi Hiền có thực sự cần thiết không? Bởi vì theo tôi nghĩ tiếng Việt đã quá đẹp rồi, đã quá ăn sâu bám rễ rồi, thiết nghĩ không cần phải có thêm sự chỉnh sửa, can thiệp nào nữa.
KIM THANH