Hình ảnh những bông hoa vàng trên cỏ xanh không mấy xa lạ với người yêu văn chương, nghệ thuật. Hình ảnh ấy vừa có sự tương phản về màu sắc, vừa có sự đồng điệu về sức sống để cùng tôn nhau lên, đầy rực rỡ và khát khao. Hình dung về đồng cỏ hoa vàng thường mang tới cảm giác rạo rực và xao xuyến. Có lẽ vì thế nên nhà thơ Trần Nhuận Minh đã lựa chọn hình ảnh này làm tứ thơ chủ đạo trong bài thơ vừa tha thiết mê say lại vừa mang tính triết lý nhân sinh: "Trong đồng cỏ hoa vàng".
Trong đồng cỏ hoa vàng
Cỏ hoa vàng đến cuối trời Không dưng mà hóa ra người lẳng lơ Tìm ai trong cõi chờ xưa Gió trăng trăm tuổi, già nua một thì Thực ra tôi chả tìm chi Yêu mây, cứ rẽ lối đi lên trời Yêu em, cứ đến với người Nào tôi có biết rằng tôi biết gì
Hoa vàng nở hết mình đi Nghe đâu tuyết trắng bay về rồi đây Trời ơi! Vàng đến thế này Mà sao đen bạc vẫn đầy thế gian...
TRẦN NHUẬN MINH
|
|
Có lẽ ai cũng biết, đồng cỏ hoa vàng kia không phải đồng cỏ thật nào đó tồn tại ở ngoài đời. Đồng cỏ ấy chỉ là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho cõi tình lãng mạn, mơ mộng ngập tràn trong lòng người. Mở đầu bài thơ, là câu thơ "thanh minh" cho sự lạc lối trong tình yêu hết sức dễ thương và... có lý. "Không dưng mà hóa ra người lẳng lơ". Phải rồi, cái sự đa tình của người ta không phải là vô duyên vô cớ mà chẳng qua bởi "Cỏ hoa vàng đến cuối trời", không thể nào tránh được tình kia cứ chạm đến mình. Cái tình ấy không toan tính, không chủ đích mà hoàn toàn xuất phát từ tấm chân tình của người thi sĩ.
Vậy nên nhà thơ tiếp tục thanh minh, lý giải "Thực ra tôi chẳng tìm chi/ Yêu mây, cứ rẽ lối đi lên trời/ Yêu em, cứ đến với người". Con đường tình nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, theo một logic, chân lý tự nhiên, không cần chứng minh mà cũng không thể nào cưỡng lại được. Hai câu thơ khắc họa con đường đến với tình yêu có sự đối xứng đầy ấn tượng. Nó giống như một sự ngầm so sánh, yêu em cũng giống yêu mây, đến với em cũng như "rẽ lối đi lên trời". Biết là mông lung đấy, biết là mơ hồ đấy nhưng không thể và cũng không định làm gì để ngăn cản bước chân mình. Bởi vì cõi "đồng cỏ hoa vàng" kia thật quyến rũ lòng người khiến người ta đắm chìm trong đó như lạc mất lý trí, như nhà thơ phải thú nhận "Nào tôi có biết rằng tôi biết gì".
Nếu chỉ dừng ở khổ thơ đầu, chúng ta sẽ dễ dàng nhận định tâm hồn thi sĩ dường như đang lạc lối giữa cõi tình, chỉ còn thấy sự say mê, tha thiết. Nhưng điều đó thực không mấy phù hợp với phong cách thơ Trần Nhuận Minh ở giai đoạn sau này, khi ngòi bút ông đã chín về cả xúc cảm và lý trí. Điều này thể hiện rất rõ trong khổ thơ thứ hai, cũng là khổ thơ cuối của bài thơ. Cái tài của nhà thơ là ông chuyển mạch cảm xúc rất tự nhiên, khiến hai khổ thơ dường như đối lập mà lại hòa hợp và logic.
Nếu như khổ thơ đầu, cảm xúc ngập tràn và mê say bao nhiêu thì khổ thơ sau lại tỉnh táo và tự tại bấy nhiêu. Khởi đầu là một lời dặn dò nhẹ nhàng, điềm tĩnh: "Hoa vàng nở hết mình đi/ Nghe đâu tuyết trắng bay về rồi đây". Lời nhắc giống như tiếng gọi kéo người đang lạc giữa cõi tình quay về với thực tại, dù hiện thực ấy chỉ là tương lai sắp đến và dường như không hoàn toàn chắc chắn vì chỉ là mới "nghe đâu". Nếu như "hoa vàng" rực rỡ là ánh sáng của sự mê say thì "tuyết trắng" chính là hiện thực có phần tàn nhẫn có thể dập tắt những xúc cảm nóng bỏng ấy.
Và độ tỉnh táo, điềm nhiên tiếp tục tăng, thốt lên thành một lời than: "Trời ơi! Vàng đến thế này/Mà sao đen bạc vẫn đầy thế gian...". Dường như đã cố gắng tỉnh táo và lý trí nhưng hiện thực đối lập với cõi tình đẹp đẽ, thơ mộng vẫn khiến nhà thơ không khỏi tiếc nuối, xót xa. Sự "đen bạc" đối lập với "hoa vàng", nhưng cả hai luôn tồn tại song song trong cuộc sống. Vẫn biết đó là hiện thực tất yếu, khó lòng tránh được nhưng nhà thơ cũng không ngăn được tiếng thở dài vì xa xót cho "hoa vàng" đẹp đẽ, tuyệt vời của ông. Tiếng thở dài ấy không khiến bài thơ rơi vào trạng thái bế tắc hay tiêu cực mà nó chỉ càng làm nổi bật lên sự đáng quý, đáng yêu của "đồng cỏ hoa vàng" trong tâm tưởng kia. Tiếng thở dài ấy chỉ là lời nhắc nhở, là sự cảm thán mang triết lý nhân sinh của một tâm hồn từng trải, đã nếm qua đủ mọi ngọt ngào, cay đắng của cuộc đời.
"Trong đồng cỏ hoa vàng" là bài thơ được độc giả ở nhiều lứa tuổi yêu mến vì nó vừa trẻ trung, mãnh liệt lại vừa ẩn chứa tấm tình đầy thâm trầm, sâu sắc. Bài thơ có thể đánh thức nhiều rung cảm, suy nghĩ khác nhau ở mỗi người thưởng thức song đọng lại cuối cùng vẫn là những giá trị trường tồn với thời gian, hướng người ta đến cái đẹp, cái thiện nguyên sơ, trong trẻo nhất.
LAM ANH