Tiếng nói lương tâm của những người thầy

01/08/2018 08:02

Giáo dục thế hệ trẻ là công việc vô cùng phức tạp, trước hết đòi hỏi những “kỹ sư tâm hồn” phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng...

Trong những ngày qua, dư luận xã hội nói chung, tâm tư của những người cán bộ quản lý, lãnh đạo trong ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT), đặc biệt là những người đã, đang làm thầy nói riêng rất bất bình trước các vụ bê bối, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La.

Hơn 330 bài thi của 114 thí sinh ở tỉnh Hà Giang đã bị thay đổi điểm, chênh lệch rất cao so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Những người trực tiếp gây ra vụ này là Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng và Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GDĐT tỉnh Hà Giang).

Đối với tỉnh Sơn La, qua xác minh ban đầu cho thấy 5 người đã có liên quan đến các sai phạm quy chế thi THPT quốc gia, trong đó đứng đầu là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.

Khi bản chất sự việc được phơi bày thì những nhà giáo chân chính đều tỏ thái độ không đồng tình với những việc làm của một nhóm cán bộ trong ngành GDĐT của hai tỉnh trên. Phải chăng họ đã không kiểm soát được nhân cách của người cán bộ quản lý giáo dục khi thực hiện những hành động khuất tất để sửa chữa điểm của những bài thi hoặc buông lỏng công tác quản lý trong các khâu của quy trình chấm bài thi. Vì chạy theo lợi ích trước mắt, họ đã cố tình lãng quên giá trị cao thượng của người thầy trong vị trí giám khảo hoặc vị trí bảo quản bí mật các bài thi để làm những việc sai trái. Mặt khác, lợi ích tiền bạc và có thể có cả lời hứa danh vọng đã che mờ tầm nhìn của nhóm cán bộ này, cho nên họ làm thay đổi điểm thi của những thí sinh vốn có lực học trung bình, thậm chí là yếu. Việc làm của họ gây khó khăn, cản trở con đường phát triển trong tương lai của những thí sinh này. Bởi một khi nền tảng kiến thức phổ thông chưa vững chắc thì làm sao các em có thể bước lên những bậc thang cao hơn của học vấn. 

Thực tế ở một số trường đại học cho thấy không ít sinh viên đã phải kéo dài thời gian, rẽ ngang, thậm chí là bỏ dở khóa học vì không đủ tiềm năng trí tuệ để theo học. Đó là chưa kể đến sự lãng phí thời gian, tốn kém tiền trong những tháng năm ngồi không đúng vị trí của mình. Dĩ nhiên, các trường cao đẳng, đại học sẽ không chấp nhận “điểm ảo” của những thí sinh do hành vi gian lận của một số người tạo ra để xét chọn các em trúng tuyển vào trường. Và nếu có xảy ra tình trạng đã lọt lưới vào trường trong thời gian tổ kiểm tra chưa công bố kết quả thẩm định thì cũng phải xếp ba lô rời khỏi trường khi sự thật được công khai. Xét về mặt tâm lý, những thí sinh này sẽ bị cộng đồng, nhất là những bạn bè cùng trang lứa chê cười, mỉa mai, mặc dù các em không phải là người trực tiếp gây ra vụ việc. 

Giáo dục thế hệ trẻ là công việc vô cùng phức tạp, trước hết đòi hỏi những “kỹ sư tâm hồn” phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực và khách quan trong mọi công việc. Những người tham gia vào vụ việc bê bối tại tỉnh Hà Giang và Sơn La không còn đủ tư cách người thầy, người cán bộ quản lý trong ngành GDĐT, cần bị xử lý nghiêm khắc để làm gương cho bất kỳ ai có tư tưởng thương mại hóa trong giáo dục. 

PHẠM TRUNG THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng nói lương tâm của những người thầy