Tiếng hát giữa vườn khuya

31/03/2012 13:44



Sáng nay có tin nhắn tôi lên nhà anh Sơn. Nhà anh bên chân thủy điện, lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái bạt ngàn. Khi hỏi kỹ lại là ai nhắn, người đưa tin bảo là chị Sương, vợ anh Sơn. Tôi đâm ra ngần ngừ. Lại nhớ đến tối hôm nào, chị áp thân hình nóng rẫy vào tôi, nói trong tiếng thở hổn hển: "Chị… khổ lắm em ơi!”.

Trước đây sáu năm, anh Sơn là công nhân thủy lợi, tham gia xây dựng công trường hồ thủy điện. Anh nói giọng miền Bắc, chẳng rõ quê quán ở tỉnh nào, vào đây gặp lúc mới bắt đầu xây dựng hồ, cần người nên được tuyển vào. Tôi thì quê tại chỗ, vùng bán sơn địa khô cằn sỏi đá, nương rẫy phập phù, bèn xin vào công trường. Tôi với anh Sơn làm việc cùng toán. Anh lớn tuổi hơn lại vào trước nên làm “sếp”, còn tôi là lính. Biết anh thích và muốn lập nghiệp ở vùng này, là dân địa phương, tôi mách nước cho anh vùng đất dưới chân hồ đang vô chủ. Nên anh vào đấy cất lên cái chòi, làm chỗ đi về sau mỗi ngày lao động. Những lúc rảnh việc công trường tôi thường giúp anh khai hoang, khoanh vùng đất nên chúng tôi rất thân nhau.

Công trường quây hồ ngày một đông đúc, nhộn nhịp. “Lúa thóc đâu, bồ câu tới đó”. Hàng quán đủ loại quanh vùng hồ liên tiếp mọc lên để đáp ứng nhu cầu của công nhân. Cà-phê đèn mờ, bia ôm là nhóm quán xá tuy có sau, mọc chậm nhưng lại dễ dàng lôi kéo số đông công nhân đa phần là trai tráng xa nhà. Hai Nở là một trong vài ba quán bia ôm bám vào công trường hồ. Anh Sơn là… “khách ruột”  của quán này. Hầu hết tiếp viên những nơi có “ôm” ở đây đều là dân giang hồ, “hàng dạt” và đa phần quê tận miền Tây. Nhiều lần theo anh Sơn bia bọt, tôi biết anh “mết” quán Hai Nở vì ở đây có chị Sương. Chị Sương người hơi phốp pháp nhưng lại khá ưa nhìn. Nhất là đôi mắt. Đôi mắt nâu buồn của chị sẵn sàng làm đắm đuối bất cứ ai mỗi khi nhìn vào. Chị Sương cũng kết “mô-đen” anh Sơn. Chị đẹp nhưng lại kết với một anh công nhân râu ria tua tủa, vỗ vai áo lúc nào bụi cũng bay ra mù trời thì thật là chuyện lạ! Tận mắt tôi thấy nhiều tối ngồi với anh, chị còn bỏ tiền đi mua thuốc (loại Cotab anh hay dùng, lời ít, quán không bán) cho anh  hút nữa. Mỗi lần ngồi tiếp khách ở đây, tiếp viên thường được "bo" năm, ba chục, nhưng dù đang với ai, khi anh đến, chị cũng bỏ để tới ngồi cùng anh và ngồi đến khi anh về mới thôi. Dường như có cú sét ái tình nào đó đã đồng thời đánh xuống hai con người nơi lang bạt kỳ hồ này!
Tình yêu ấy tưởng dừng khi một biến cố xảy ra trên công trường. Một chiếc xe ben chở đá chẻ rơi xuống vực, trên đó có anh Sơn. Tai nạn bất ngờ làm anh bị chấn thương cột sống, dập tay trái và cái mặt thì… tang hoang như công trường đang dang dở. Chị Sương phải nghỉ làm và mất  gần nửa năm trời theo chăm sóc anh hết bệnh viện tỉnh đến bệnh viện huyện. Bây giờ thì anh trở thành người tàn tật, dị dạng. Cánh tay trái bị cụt sát vai còn gương mặt, nơi tiêu biểu nhất của con người thì lại méo mó với cái miệng như hồ thủy điện chưa hàn khẩu, lúc nào cũng nhễu nhão dớt dãi.
Vậy mà chị Sương cũng bằng lòng lấy anh!

Đám cưới anh chị tuy giản dị nhưng rất cảm động. Chỉ toàn dân công trường và không có ai là họ hàng, cả nhà trai lẫn gái. Sau cưới, họ về sống ở khu vườn anh và tôi đã dày công tạo lập. Khu đất nằm nghiêng nghiêng toàn đá dăm gan gà, nhờ vào sự san ủi tôn chân bờ hồ, giờ trở nên bằng phẳng, xanh tốt những cây là cây. Khu vườn trông lãng mạn như mối tình của họ. Có nhìn anh Sơn vòng một tay kẹp cán cuốc vào nách cuốc trước, chị trỉa hạt giống phía sau, và tiếng cười của hai vợ chồng bay lên trong vườn mới thấy họ hạnh phúc nhường nào. Tình yêu là thứ hạnh phúc trên cả mọi hạnh phúc.
Anh Sơn và chị Sương là điển hình về tình yêu ở công trường này. Riêng tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào bất cứ việc gì cũng đồng thuận cao như anh chị. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đối nội tới đối ngoại. Và cũng tưởng sự "phu xướng, phụ tùy" và ngược lại này được vậy mãi thì gần đây lại xảy ra một chuyện. Đó là chị Sương muốn có chiếc ti-vi để xem truyền hình. Ước ao thoạt đầu nghe thật bình thường, đơn giản. “Mình là toàn bộ truyền hình với nhau rồi, mua ti-vi làm gì cho tốn tiền”. “Nghe nói trên truyền hình có chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, nên em muốn xem”. Nghe câu này, tôi thấy anh Sơn im lặng một lúc lâu. Rồi với gương mặt co giật liên hồi, anh đưa tôi nắm tiền: “Tâm, đi mua rượu và mồi, bữa nay anh em mình nhậu!”. Những lúc vui buồn thái quá, gương mặt anh hay co giật như vậy. Trên đường đi mua tôi suy nghĩ mãi. Vì sao anh lại có tâm trạng kích động đến nhường ấy. Ai cũng biết Như chưa hề có cuộc chia ly là chương trình ti-vi giúp những người thất lạc nhau tìm về nguồn gốc, người thân của mình. Tại sao anh lại có vẻ không muốn cho chị xem chương trình ấy? Sao anh lại không muốn cho chị tìm về với cội nguồn của mình nếu chị có và thực sự cần? Đến như loài người bây giờ cũng vẫn còn đau đáu cội nguồn của mình dù đã qua bao triệu triệu năm, huống hồ chị! Lại còn xuất thân của anh nữa? Tuy thân với hai vợ chồng nhưng tôi thật sự không biết được tí gì về nguồn gốc và xuất thân của anh chị cả. Cũng không rõ quá trình tìm hiểu của anh chị thế nào mà tiến tới hôn nhân. Và tại sao lại không có bất cứ quyến thuộc, họ hàng nào phía hai người đến dự đám cưới, là ngày vui quan trọng nhất của Sơn - Sương?

Trong cuộc nhậu bữa đó, anh Sơn không nói gì thêm và… chỉ lầm lì ngồi uống. Chị Sương thỉnh thoảng ra vào phục vụ hai người với đôi mắt đỏ hoe như đã thầm khóc. Và rồi anh rất say. Say đến bất tỉnh nhân sự. Muộn tối, sợ anh có điều gì bất trắc, chị Sương kêu tôi ở lại.

Đêm ấy, khi anh Sơn đã ngủ say. Nơi đi-văng trước hiên nhà, chị Sương mới tâm sự cùng tôi. Trong câu chuyện về gia đình, khi tôi bóng gió đến việc sao chị lại bằng lòng lấy người lúc đã hình thù như anh. Thì chị chỉ cười buồn: “Anh vậy, nhưng hạnh phúc thì có hình thù gì đâu em!”. Cũng qua lần tâm sự đầy tế nhị này, tôi mới biết việc hai người cưới nhau là một sai lầm khủng khiếp. Khủng khiếp không phải vì anh trở thành dị dạng, chẳng xứng đôi với chị, mà chính vì qua tai nạn ấy, chấn thương cột sống đã làm anh không còn khả năng đàn ông nữa! Điều tệ hại là anh giấu chị với hy vọng thời gian sẽ giúp mình phục hồi. Nhưng càng ngày chức năng đàn ông càng rời xa anh. Như thế cũng đồng nghĩa với anh đóng cửa khả năng làm mẹ của chị, điều mà hai người từng ước ao khi mới yêu nhau. Và bây giờ, sự mon men tìm về cội nguồn là dự báo chị sẽ rời xa anh không sớm thì chầy. Điều đó khiến anh đau và buồn. Đau buồn này có lẽ còn hơn lúc anh biết rời xa cánh tay và gương mặt bình thường của mình nơi bệnh viện.

Từ ngày biết anh Sơn mất khả năng của mình, tôi rất ngại đến nhà anh chị. Phần khác cũng ngại chính ánh mắt của chị gần đây nhìn tôi đôi lúc trở nên khát khao, nồng nàn. Mà anh chị thì rất hay nhắn tôi lên, bởi công trường đã chấm dứt từ lâu và quanh vùng ngoài tôi, anh chị cũng chẳng thân cùng ai cả.

Một đêm, nhân đi thăm lờ, câu đặt ven lòng hồ, lượt về tôi ngang qua vườn nhà anh chị. Đêm ấy trăng sáng lắm. Từ bờ hồ nhìn xuống khu vườn nhà anh Sơn, trùng trùng cây lá ánh lên lung linh như dát bạc. Khi tôi xuống đến con đường mòn cặp khu vườn, chợt trên tầng trăng khuya bỗng một giọng hát oà vỡ ra không trung: "Với bao tà áo xanh đây mùa thu/Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ…"(*) Giọng hát nữ nào lại cất lên trong vườn nhà anh Sơn? Mà lại hát vào đêm hôm khuya khoắt? …"Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư…". Tiếng hát lanh lảnh vượt lên cả những tầng lá xà cừ đang rì rào như muốn bay hoà vào ánh trăng sáng dằng dặc trên bầu trời. Lời bài hát trữ tình được cất lên bởi âm giọng nồng nàn, buồn tiếc khiến gió cũng xao dậy cả tầng lá cây khuya. Chẳng lẽ người hát lại là chị Sương? Tôi chưa từng nghe chị hát hay như thế và cũng chưa nghe bài này bao giờ. Mải lần theo tiếng hát tôi lọt vào vườn nhà anh Sơn lúc nào chẳng hay. Trăng chảy sáng nhễ nhại một khoảng rộng nơi có áng nước từ hồ dẫn xuống. Mấy thau nước, quần áo và khoảng xi-măng mới ướt cho thấy có người đang tắm dở. Tiếng hát lúc này dường như không biết có tôi nên vẫn mải miết cất lên. Không xa chỗ áng nước, nơi mà ánh trăng xuyên từng mảng qua tầng lá, một người mặc đồ tắm đang vừa ôm xoay quanh gốc cây vừa hát. Đúng là chị Sương! Thân hình đầy đặn, trắng nõn của chị kéo theo loang loáng ánh trăng, hết xoay quanh gốc cây này đến xoay quanh gốc cây khác. Giọng hát càng về khuya nghe càng rạo rực, mê hồn…"Thấy hối tiếc nhiều/Thuyền đã sang bờ/Đường về không lối...".

Tôi âm thầm ra về. Tiếng hát của chị như mãi quấn quít theo trên con đường sỏi mòn ven hồ thấm đẫm ánh trăng. “Đường về không còn lối” và… vầng trăng thanh xuân của chị cũng đã đang chếch dần về phía non Đoài! Cùng với gió sương khuya, lòng tôi chợt xao lên một nỗi buồn và niềm cảm thương thân phận đàn bà tưởng như vô bờ, vô bến.

(*) Lời bài hát Gửi gió cho mây ngàn bay của Đoàn Chuẩn

  Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng hát giữa vườn khuya