Sinh ra tại Hải Dương, thành danh ở Hà Nội, tên tuổi của ông còn mãi với những người yêu kịch. Đó là nhà viết kịch Lộng Chương.
Chân dung nhà viết kịch Lộng Chương
Trọn một đời lấy bút làm gươm
Nhà viết kịch Lộng Chương tên thật là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 5.2.1918 tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang). Ông là thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là 1 trong 2 nghệ sĩ người Hải Dương được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Người còn lại cũng quê Bình Giang, đó là nhạc sĩ tài hoa Đỗ Nhuận.
Nhắc đến nhà viết kịch Lộng Chương là nhắc đến các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Quẫn, Cửa mở hé, Lý Thới, Đòi con, Đoàn quân tóc trắng, Hỏi vợ, A Nàng, Tình sử Loa Thành, Đôi ngọc lưu ly...
Sinh ra tại vùng quê làm nghề vàng bạc, ông từng sống ở Hàng Bạc (Hà Nội), từng là một viên chức nhà nước thời Tây nhưng ông không theo nghề kim hoàn, cũng chẳng thiết tha với công việc của một viên chức "sáng cắp ô đi, tối vác về" mà âm thầm, bướng bỉnh theo cái nghiệp văn chương, nghệ thuật - cái nghiệp ông coi là khó khăn, khắc nghiệt, đã dằn vặt ông suốt cả kiếp đời như một định mệnh.
Giáo sư Hà Văn Cầu, một người bạn vong niên, người tự nhận là học trò của nhà viết kịch Lộng Chương từng viết về ông: “Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào Lộng - Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn Chương”. Những câu nói của Giáo sư Hà Văn Cầu đã nói lên tất cả. Bằng một lối văn trào lộng, nhà viết kịch Lộng Chương đã cười giễu vào mọi thói hư tật xấu ở đời, đã phê phán không thương tiếc những kẻ ăn trên, ngồi trốc, những kẻ sống trên mồ hôi nước mắt của người lương thiện. Nhưng cũng cái ngòi bút sắc sảo ấy, ông lại dồn hết lòng yêu thương nhân ái những kiếp người đói khổ, thiệt thòi.
Còn nhà văn Hoàng Công Khanh nhớ về nhà viết kịch Lộng Chương: Tình yêu, niềm say mê sân khấu là tố chất bẩm sinh chảy trong huyết mạch, nên anh chung thủy với nó cho đến hết đời, bất chấp mọi thăng trầm, hệ lụy. Với trí tuệ sắc sảo, tâm hồn giàu có và sức bút mạnh mẽ công phá - ngoài công tác đạo diễn, huấn luyện kịch nghệ, xây dựng các đoàn kịch - anh đã viết vài trăm vở với đủ thể loại. Nhưng cái tinh túy, độc đáo cuối cùng kết lại thành trầm hương ở hài kịch, ở những tiếng cười “Lộng” cả nghìn “Chương". Tiếng cười trong sáng tác của anh rất phong phú, đủ mùi vị: chua, cay, mặn, chát...
Cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam
Đường Lộng Chương, TP Hải Dương
Nghệ sĩ, nhà viết kịch Lộng Chương không có trường lớp, không đứng trên bục giảng, nhưng những người trẻ tuổi đến nhà chỉ mong được gọi ông bằng thầy, chỉ ao ước được là người trò nhỏ của ông.
Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang từng kể về lần gặp gỡ đầu tiên với nhà viết kịch Lộng Chương: Tôi đứng trước anh như đứng trước một thần tượng. Anh cao vời, nghiêm nghị như một vị quan tòa. Đôi mắt anh nhìn tôi soi mói và phán xét. Tôi, một cậu thanh niên trẻ măng, còn hôi mùi sữa đang muốn học đòi theo "nghiệp phấn son", đến anh xin thụ giáo. Tôi không biết tôi đã đứng trước mặt anh trong bao nhiêu lâu. Tôi không nhớ tôi đã nói những gì. Và cũng không còn biết mình đã làm bao nhiêu cử chỉ lố bịch, khờ dại và ngớ ngẩn...
Học trò của ông đủ mọi thành phần. Họ là những người thầy thuốc, kĩ sư, sinh viên, những công nhân và nông dân, trải khắp đất nước, từ các thành phố lớn đến những vùng heo hút. Với họ, Lộng Chương là người thầy lớn, đã dạy cho họ một nghề nghiệp, một nhân cách sống, để cố gắng gánh vác cái sân khấu ngổn ngang, gian khó, cay đắng, nhưng cũng đầy vinh quang.
Mặc dù là một nhà viết kịch tài ba, nhưng những cuốn sách viết về ông hầu như không có. Những tác phẩm, những câu chuyện đời của ông chỉ là những mảng cóp nhặt chung trong các cuốn sách. Song xuyên suốt, hầu như cả cuộc đời, ông chỉ đau đáu một điều là làm được cái gì đó cho sân khấu. Sinh thời, ông đã cùng các bạn Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu... tiến hành cuộc vận động thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, để đến hôm nay trở thành một hội lớn mạnh với hàng nghìn hội viên.
Trong số hàng nghìn tác phẩm của ông, người ta còn nhắc mãi tới Quẫn - một trong những vở diễn lớn với hàng nghìn đêm sáng đèn trên các sân khấu, trải dài suốt mấy chục năm trời, làm rạng danh cho Đoàn Kịch nói Trung ương, nay là Nhà hát Kịch Việt Nam. Không chỉ Quẫn, những vở diễn khác của ông đã làm sáng rực bao tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên. Nhiều vở diễn của ông đã trở thành kinh điển, là niềm mơ ước của các tác giả và đạo diễn hôm nay.
13 giờ 54 ngày 26.6.2003, trái tim của cây đại thụ nền sân khấu Việt Nam ngừng đập. Bạn bè văn chương của ông tề tựu, đã viết: Chúng ta có mặt ở đây, trong giờ phút thiêng liêng này để vĩnh biệt một cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam, vĩnh biệt một nhà viết kịch lỗi lạc, một đạo diễn đầy tâm huyết, người thầy lớn của rất nhiều thế hệ diễn viên.
Để ghi nhớ công lao của một người con quê xứ Đông đã làm rạng danh sân khấu kịch nước nhà, tên ông đã được đặt cho tên một con đường ở TP Hải Dương.
TIẾN HUY