Tiếng bom không ở chiến trường

08/01/2018 08:15

Rạng sáng 3.1, tiếng nổ lớn làm kinh động người dân tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Một hố sâu hoắm như ao xuất hiện sau vụ nổ. 4 ngôi nhà xung quanh điểm nổ không còn dấu vết. Hàng loạt nhà cửa, cây cối, đồ dùng của người dân trong thôn bị hư hại. Đường làng phủ đầy gạch ngói vỡ và đầu đạn. Đau xót hơn, 2 em nhỏ tử nạn, nhiều người lớn khác bị thương vì vụ nổ. Vụ nổ được cơ quan chức năng xác định là khởi phát từ số vật liệu trong kho chứa phế thải. Chủ bãi phế liệu đã bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi “tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Người này khai tháng12.2016 có thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tái chế. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn.

Không phải tới vụ nổ này, dư luận mới rúng động với những “quả bom” - cả nghĩa đen và nghĩa bóng- do vật liệu phế thải mang lại. Năm 2016, một quả bom phát nổ khi bị cưa bằng đèn khò tại khu Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) làm 4 người dân thiệt mạng. Nhiều vụ trẻ em nghịch ngợm, hay người lớn cố tình cưa bom lấy thuốc nổ, đã để lại hậu quả thảm khốc. Đây đó, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ  những trường hợp khai thác hoặc vận chuyển thuốc nổ lấy từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng có một câu thơ nổi tiếng: “Thế đấy, giữa chiến trường/Nghe tiếng bom rất nhỏ” - phản ánh ý chí ngoan cường và tinh thần dũng cảm của quân ta. Tinh thần “dũng cảm” trước bom đạn ấy ngày nay dường như vẫn không hề… phai nhạt. Nhiều người vẫn điềm nhiên thu gom, tái chế vật liệu nổ bằng các biện pháp thủ công, thô sơ. Người ta sống cạnh những bãi phế thải chứa những vật liệu nguy hại về môi trường và rất có thể chứa những “quả bom” nổ chậm, chứng kiến những cách sơ chế phế liệu thô sơ, thậm chí nguy hiểm, nhưng vẫn không có phản ứng gì. Trong vụ trục vớt bom mìn trên sông Hồng gần đây, dù lực lượng chức năng đã cảnh báo, nhưng người dân vẫn xúm đen xúm đỏ để “xem”, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có những quy định chi tiết về việc thanh lý, xử lý với những vật liệu nổ đã hết hạn sử dụng. Nhiều điều luật khác của Nhà nước cũng nghiêm cấm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán… vật liệu nổ, vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, những quy định có tính răn đe đối với hoạt động kinh doanh, thu mua và sơ chế phế liệu, trong đó có nhiều vật liệu nguy hại cho môi trường cũng như vật liệu nổ lại chưa đủ mạnh mẽ để khiến các cơ sở sản xuất, những người hành nghề tái chế vật liệu biết “sợ”.  Tại không ít địa phương, chính quyền sở tại chưa thực sự quyết liệt trong công tác quy hoạch, di dời, đưa các cơ sở kinh doanh có nhiều nguy cơ cháy, nổ ra xa khu dân cư và có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về quy trình sơ chế, sản xuất, lưu giữ các vật liệu nguy hại, có khả năng phát nổ.

Các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, quy hoạch đối với hoạt động kinh doanh phế thải, không để xuất hiện việc kinh doanh, tàng trữ trái phép vật liệu nổ, từ đó ngăn ngừa những nguy hại đối với cộng đồng. Mỗi người dân cần phải thực sự biết “sợ”, biết bất bình trước những hành vi, cơ sở gây mất an toàn, kiên quyết ngăn chặn sự nguy hiểm do vật liệu phế thải phát nổ. Có như vậy mới không còn những tiếng bom nổ giữa thời bình, đem đến những mất mát đau thương không đáng có cho xã hội.

THÙY HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng bom không ở chiến trường