Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn tạo được một xu thế toàn xã hội để việc học tiếng Anh trở thành nhu cầu tự thân.
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Hà Nội (Ảnh: PM/Vietnam+)
Ngày 17-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu về triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp phong phú cũng như kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó Ban thường trực Đề án cho biết mục tiêu trong giai đoạn này là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông. Đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, sẽ phổ cập dạy tiếng Anh trong trường phổ thông.
Đối với đào tạo nghề, sẽ tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ theo các mốc: Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.
Đến năm 2018-2019, 100% các trường đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn.
Đến năm 2020, 70% sinh viên đại học không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp...
Tại hội nghị, đa số các ý kiến tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre Nguyễn Văn Huấn cho rằng giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn nên cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng. Theo ông Huấn, cần tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó có thời gian tập trung trong hè.
Ông Huân cũng cho rằng cần xây dựng Thông tư về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông công lập, thay thế Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT-BNV, trong đó nâng tỷ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học lên 1,5/lớp mới có thể định mức cho giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở cấp tiểu học.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hùng kiến nghị nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy học ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp.
Nhiều tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị về việc siết chặt công tác khảo thí. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí nêu ý kiến cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức khảo sát cấp chứng nhận trình độ năng lực ngôn ngữ tiếng Anh của các trường đại học đã được Bộ giao nhiệm vụ.
Hiện, đã có hiện tượng nhiều trường đại học tổ chức bồi dưỡng ôn tập qua loa, cấp chứng nhận năng lực ngôn ngữ tiếng Anh ồ ạt cho giáo viên tại nhiều địa phương.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Minh Hồng kiến nghị cần xây dựng và triển khai ngay các quy trình quản lý, giám sát chất lượng trong giảng dạy ngoại ngữ... để giám sát chất lượng mọi hoạt động của Đề án nói riêng và chất lượng ngoại ngữ nói chung, đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm của các nhiệm vụ đang triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn tạo được một xu thế toàn xã hội để việc học tiếng Anh trở thành nhu cầu tự thân. Theo Bộ trưởng, tiếng Anh và công nghệ thông tin chính là công cụ để thế hệ trẻ hòa nhập với thế giới. Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam cần quá trình rất dài nhưng phải hướng tới điều đó, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nêu ra 8 nội dung đưa vào kế hoạch 2016-2020 và định hướng năm tiếp theo, bao gồm những nội dung về người dạy, người học, học liệu, khảo thí, tài chính, về cơ chế chính sách, truyền thông và cơ sở dữ liệu, tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý.
Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn 2016-2020, mạnh dạn mời, thu hút sinh viên, giáo viên bản ngữ.
Các đơn vị, địa phương phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ thực tế tại các địa phương chứ không chỉ nhấn mạnh tiếng Anh. Tuy nhiên, không nên dàn trải, phân tán mà cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếng Anh là ưu tiên.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 12; công bố sớm dạng thức bài thi trắc nghiệm tiếng Anh để học sinh, thầy cô làm quen; tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực, quan tâm đến môi trường cho học tiếng Anh, hình thành các câu lạc bộ…; tạo ra một xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả, biến học tiếng Anh từ áp lực trở thành động lực.
Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, cần rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, thiết kế theo hướng thực tế và online, đưa tài liệu lên mạng cho mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi, tăng cường các video clip, học liệu hỗ trợ học tiếng Anh...
Theo TTXVN