Ba ngày sau khi xảy ra sự cố trôi bè cá lồng trên sông Kinh Thầy, người dân vẫn đang vật lộn với khó khăn.
Người nuôi cá lồng ở Nam Tân cố gắng vớt vát số cá còn sót lại
Để hạn chế thiệt hại, nguyện vọng của họ lúc này là nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.
Giây phút kinh hoàng
Người dân hôi cá ngay sát mép bè nhà ông Nguyễn Trung Tựu
Những ngày này, sông Kinh Thầy không còn hiền hòa êm ả mà dòng nước chảy xiết, đỏ ngầu phù sa. Dòng sông này đã mang lại cho nhiều người nuôi cá lồng cuộc sống no đủ nhưng cũng vừa lấy đi không ít nước mắt của họ. Hai gia đình bị thiệt hại nặng nề sau sự cố trôi bè cá là ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân và anh Nguyễn Hữu Toản ở xã Thanh Quang (cùng ở Nam Sách). Nhớ lại buổi sáng 2-8, ông Nguyễn Bá Lượng, người làm cho anh Toản vẫn còn thảng thốt. Ông Lượng kể: Trời mưa to, nước chảy xiết nhưng do đã chằng buộc, neo lồng cẩn thận nên anh Toản chỉ bố trí 2 người trông coi. Đêm hôm trước, sau khi cho cá ăn, ông Lượng còn kiểm tra lại lồng cá một lần nữa, thấy tất cả vẫn an toàn nên mới đi ngủ. Hơn 5 giờ sáng, khi ông thức dậy, ra ngoài thì nhìn thấy một mảng lồng cá của nhà ai đó bị đứt dây trôi dạt về phía bè cá của gia đình. Ông Lượng vội đánh thức người cùng trông coi dậy và gọi điện ngay cho anh Toản. Nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong chớp mắt, bè cá trôi dạt xô vào và làm đứt dây neo bè cá của nhà anh Toản, khiến cả 2 mảng bè cùng lềnh bềnh trên sông. Lúc này, anh Toản và những người khác chạy ra đến bờ nhưng cũng bất lực nhìn nhà bè trôi đi vì dòng nước lũ chảy xiết, trong khi họ không có bất kỳ phương tiện ứng cứu nào. "Chúng tôi ngồi trên mảng bè mà lòng như lửa đốt. Trong đầu ngổn ngang câu hỏi không biết bè trôi về đâu? Nếu bè bị xé ra thì không biết tính mạng mình thế nào? Rồi còn lồng cá nữa, chúng có chịu được dòng nước xiết hay không, lưới có rách, cá có trôi ra sông hay không?", ông Lượng nhớ lại.
Sau mấy ngày chạy đôn chạy đáo lo công việc nên người nào trong gia đình anh Toản cũng mệt mỏi. Gặp chúng tôi, khuôn mặt chị Yến, vợ anh Toản vẫn không vơi đi nét buồn. Chị Yến cho biết, hiện gia đình đang rất nhiều việc phải lo nên không thể nói gì trong lúc này, tất cả mọi việc đều phải nhờ anh em, họ hàng, thiệt hại cũng chưa thể tính chính xác được. Sáng 5-8, chúng tôi lên mảng lồng cá của gia đình anh Toản đang mắc tại chân cầu Bình. Theo quan sát của chúng tôi, cả mảng bè bị xô vào nhau. Mặc dù khung bè làm bằng sắt nhưng nhiều đoạn bị dúm dó hoặc bị gẫy. Anh Nguyễn Văn Sự, em rể của anh Toản cho biết: "Hai ngày nay, anh em họ hàng và làng xóm ra giúp anh Toản thu hoạch cá nhưng cũng chỉ được phần nào. Hiện vẫn còn một số ít cá dưới lồng nhưng do ai cũng kiệt sức nên không thể thu hoạch được nữa, đành mặc cho cá chết hoặc trôi ra sông". Tìm hiểu qua người nhà của chị Yến, chúng tôi được biết, anh Toản nuôi 38 lồng cá, chủ yếu là các loại: chép giòn, lăng chấm... có nhiều lồng cá sắp được thu hoạch. Hiện chỉ có 1 lồng còn nguyên vẹn, những lồng khác cái bị bục lưới, cái bị gãy khung trôi tan tác trên sông. Có 1 mảng khoảng 20 lồng mắc vào mố cầu Bình.
Theo ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố trên là do nước lũ thượng nguồn đổ về nhanh, kết hợp với lốc xoáy khiến tốc độ nước chảy rất lớn, làm cho dây chằng lồng cá của ông Tựu bị đứt, trôi dạt va vào nhà bè của anh Toản khiến cả 2 nhà bè cuốn theo dòng nước. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 200 tấn cá, trị giá gần 20 tỷ đồng. Trong đó, nhà anh Toản gần như thiệt hại hoàn toàn, nhà ông Tựu còn cứu được một số lồng.
Mong chờ sự giúp đỡ
Cá lăng chấm của gia đình anh Nguyễn Hữu Toản ở xã Thanh Quang (Nam Sách) chết nổi trên lồng mắc ở chân cầu Bình
Sau khi bị dòng nước lũ cuốn trôi gần 6 cây số, bè cá lồng nhà ông Tựu hiện đã được các cơ quan chức năng và nhiều hộ dân hỗ trợ neo đậu tại một vụng mé sông Kinh Môn, đoạn chảy qua địa bàn thôn An Điền, xã Cộng Hòa. Sáng 5-8, bãi sông tại khu vực này vẫn ngập chìm trong nước lũ. Nhờ sự giúp đỡ của Trạm kiểm tra Mạc Ngạn (Chi nhánh Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7), chúng tôi mới có thể tiếp cận bè cá lồng bằng đường thủy. Dọc hai bên bờ sông, hàng trăm người dân đổ xô đến câu, đánh bắt cá sổng ra từ những lồng bị vỡ. Người cầm kích điện, người thả lưới nhộn nhịp cả khúc sông. Một dân chài chèo thuyền nhỏ đưa chúng tôi từ tàu tuần tra vượt qua những lớp lưới mà chính họ giăng xung quanh để lên nhà bè. Nhìn những lồng cá ngổn ngang, gia tài hàng chục tỷ đồng tan hoang giữa dòng nước, ai cũng xót xa. Hàng trăm con cá điêu hồng, cá chép giòn, cá lăng chết tụ thành từng mảng càng khiến cảm nhận về những thiệt hại sau thiên tai trở nên não nề hơn. Anh Phạm Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm kiểm tra Mạc Ngạn chia sẻ với chúng tôi, suốt 24 năm trong ngành chưa năm nào anh thấy nước sông lên nhanh như lần này. “Chắc phải đến tháng 9 âm lịch, khi nước sông nhẹ hơn mới có thể đưa được những lồng cá này trở lại sông Kinh Thầy”, anh Thành nhận định.
“Nếu bè bị xé ra thì không biết tính mạng mình thế nào? Rồi còn lồng cá nữa, chúng có chịu được dòng nước xiết hay không, lưới có rách, cá có trôi ra sông hay không?”
|
Khi chúng tôi lên bè, chỉ có anh Vũ Văn Hậu, một người làm công cho gia đình ông Tựu trông nom ở đây. Mấy ngày này, sau khi nhà bè được neo đậu trong vụng, hơn chục người sớm tối liên tục thay nhau túc trực để đề phòng sự cố xảy ra và ngăn chặn những người hôi cá. “Mấy hôm nay, anh em ở đây chỉ tranh thủ chợp mắt một lúc rồi lại dậy để kiểm tra, trông giữ lồng bè. Người thì lót dạ bánh mì còn cá vẫn bị bỏ đói. Đến chiều nay gia đình ông Tựu mới đưa thức ăn theo đường bộ, rồi cho thuyền chở lên bè cho cá ăn”.
Cách vị trí nhà bè neo đậu khoảng 400 m về phía hạ lưu, anh Nguyễn Văn Nhuận (con trai ông Tựu) cùng hàng chục lao động đang tập trung bắt cá còn sót lại từ 2 chiếc lồng may mắn mắc vào bờ sông. Suốt mấy ngày hôm nay, anh Nhuận phải thuê tàu tải trọng 300 tấn chạy dọc tuyến để phát hiện những chiếc lồng bị dòng nước xé tan, quăng quật, trôi dạt trên sông. Anh Nhuận chưa về nhà, cùng công nhân và bà con họ hàng giằng giật từng mảng bè với nước cả. Lau nhanh nước sông đang đọng trên khuôn mặt hốc hác, đôi mắt đỏ xọng vì thiếu ngủ, anh Nhuận tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi. Giữa những tiếng ầm ầm của động cơ tàu, thuyền và máy bơm ô-xi cho cá, anh Nhuận chia sẻ: “Đến thời điểm này gia đình tôi gần như mất trắng 36 lồng cá, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Những ngày qua, do biết gia đình bị thiệt hại nặng nề nên những chủ tàu hỗ trợ neo kéo nhà bè cũng chỉ lấy tiền dầu, tiền công thì ủng hộ. Một xưởng tàu cũng cho gia đình mượn một chiếc tàu để đi tìm, dọn những bè cá rải rác trên sông”. Nói với chúng tôi vài câu, nhận được tin báo, anh Nhuận lại cùng các công nhân nhổ neo thuyền, ngược về hướng ngã ba Kèo để tìm thêm những lồng cá thất lạc.
Theo anh Nhuận, công việc cần kíp để khắc phục sự cố hiện nay là tìm và thu gom những xác lồng để tránh bị mất trắng. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình lúc này là được các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ phương tiện cẩu kéo, thu gom những xác lồng vào một địa điểm tập kết, chờ lũ tan để kéo về. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng mong muốn ngân hàng tạm hoãn việc trả nợ, đồng thời cho vay thêm vốn để họ sớm khôi phục và nuôi cá trở lại.
Chiều 5-8, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn đang được thực hiện rất khẩn trương. Các cơ quan chức năng và huyện Nam Sách đã có cuộc họp bàn các biện pháp sớm khắc phục thiệt hại cho người dân và nhanh chóng thông tuyến, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại cũng như bảo đảm an toàn cho cầu Bình. Việc cắt rời từng mảng lồng cá phải thực hiện cẩn thận, giảm đến mức tối đa thiệt hại cho người dân. Kinh phí để thực hiện trước mắt sẽ do UBND xã Nam Tân ứng trước.
|
HOÀNG BIÊN - NGỌC THỦY-