Tiến sĩ Đỗ Quang

11/09/2010 04:19

Đỗ Quang, người làng Phương Điếm (nay là thôn Phương Điếm, thị trấn GiaLộc). Năm 18 tuổi, ông đỗ tú tài (1825), 22 tuổi đỗ cửnhân (1828), 26 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội, tiếp đó vào thi Đình đỗ tiếnsĩ (1832).


Khu lăng mộ Tiến sĩ Đỗ Quang. Ảnh: Thành Chung

Đỗ Quang, người làng Phương Điếm (nay là thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc), xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1774 đời Lê Cảnh Hưng, ông nội của Đỗ Quang thi đỗ Sinh đồ (Tú tài), trở thành người đỗ đạt đầu tiên của họ Đỗ ở địa phương. Tiếp nối nghiệp nhà, Đỗ Quang được đi học khá sớm (1813). Thông minh và học giỏi, ông đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong khoa cử: 18 tuổi đỗ tú tài (1825), 22 tuổi đỗ cử nhân (1828), 26 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội, tiếp đó vào thi Đình đỗ tiến sĩ (1832).

Đỗ Quang bước vào con đường hoạn lộ sau khi thi đỗ cử nhân được một năm (1829), bắt đầu với một chức quan nhỏ ở Bộ Binh. Năm 1830, được phái ra Quảng Bình đợi bổ nhiệm, ông đã lần lượt phụ trách công việc ở các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Bình Chánh (nay là Lệ Chánh). Sau khi đỗ tiến sĩ, ông được bổ chức Biên tu ở Viện Hàn lâm, ít lâu sau ông chuyển về làm Biên tu ở Sở Thực lục (1833). Đến tháng 2 năm 1834, ông ra giữ chức Tri phủ Diễn Châu (Nghệ An), tháng 6-1836, ông được thăng chức Lang trung. Đến tháng 7-1840, ông làm Án sát tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình. Tháng 10-1846, ông làm Thị lang Bộ Lại, đến năm sau ông được thăng Thự Tham tri Bộ Lễ. Một điều đáng chú ý trong cuộc đời làm quan của Đỗ Quang ở thời kỳ đầu này (1829-1846) là xen kẽ với những giai đoạn đảm nhiệm các chức vụ cai trị hành chính ở các địa phương, do ông có uy tín lớn cả về học vấn và đạo đức nên đã được triều đình nhiều lần cử đảm nhiệm các chức vụ chấm thi. Năm 1856, ông được sung chức Kinh diên nhật giảng quan phụ trách việc giảng kinh sách cho vua và các quan. Ông đã hoàn thành xuất sắc công việc khó khăn đó, khiến vua Tự Đức có Dụ ban khen ông (năm 1858); "Từ khi làm quan Kinh diên đến nay, giảng bàn nghĩa sách, lời gọn, lý sáng".

Cùng với việc được triều đình tín nhiệm giao cho trọng trách tuyển chọn và đào tạo nhân tài cho đất nước, Đỗ Quang còn nhiều lần được giao công việc biên soạn sách. Ngay sau khi đỗ tiến sĩ, ông được cử giữ chức Biên tu ở Viện Hàn lâm, rồi ở Sở Thục lục; năm 1841 ông sung làm Toản tu ở Quốc sử quán; năm 1845 ông sung chức Toản tu Ngọc Điệp; có thời gian ông vừa giữ chức vụ hành chính ở cơ quan Bộ, vừa kiêm nhiệm chức vụ ở Quốc sử quán. Tài năng của ông còn được vua Tự Đức nhắc lại một lần 8 năm (1874) và một lần 13 năm (1879) sau khi ông mất (1866) trong các chiếu chỉ định lại phép thi văn. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi chép: "… Vả lại, xét ra trong khoảng năm Minh Mạng, những người dự giáp khoa, phần nhiều là người học nhiều rộng khắp, như bọn Tô Trân, Đỗ Quang dự hầu ở tòa Kinh diên thì thấy rất rõ…".

Trong cuộc đời làm quan của Đỗ Quang có một cái mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới, trong đó nhân cách và đạo đức của ông đã được bộc lộ một cách rực rỡ. Đó là vào năm 1848 ông được điều vào làm Thự Tuần phủ, rồi hai năm sau ông được thăng chức Tuần phủ tỉnh Định Tường (Nam Kỳ). Chính vào lúc này, do bọn lái buôn người Thanh trốn thuế, ông đã bị triều đình cách chức, phải đi hiệu lực ở Bộ Lại. Nhưng đến năm 1851, được biết khi Đỗ Quang bị mất chức thì "dân trong tỉnh khóc như mưa", vua Tự Đức đã kịp thời có sắc chỉ khẳng định về nhân cách cao quý của Đỗ Quang: "Nếu không phải là người thường được lòng dân thì làm sao được như thế" và năm sau đã xóa tội cho ông, đưa ông về Viện Hàn lâm, ít lâu sau lại thăng ông lên chức Viên ngoại, lĩnh chức Án sát ở Nghệ An (1853), rồi lại thăng lên Hồng lô tự khanh lĩnh chức Bố chính ngay ở tỉnh đó (1854). Sau đó, ông được cử giữ chức Bố chính tỉnh Nam Định. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm quan, Đỗ Quang được cử giữ trọng trách tại một tỉnh lớn miền Bắc, gần với quê hương Hải Dương của ông. Nhưng ông không ở đây lâu, chỉ một thời gian sau ông được thăng Quang lộc tự khanh, về kinh đô Huế làm việc ở Bộ Lại (1856). Năm 1860, ông được bổ nhiệm lần thứ hai vào Nam Kỳ với chức Thự Tuần phủ tỉnh Gia Định, vào một thời điểm và trong một tình thế vô cùng gay cấn vì tỉnh thành Gia Định đã bị giặc Pháp chiếm đóng từ năm 1859.

Ngay sau khi thành Gia Định thất thủ (17-2-1859), triều đình Huế đã phái Nguyễn Tri Phương mang quân vào chống cự (3-1860). Nhưng Nguyễn Tri Phương đã không biết tranh thủ thời cơ để mở những cuộc tấn công lớn tiêu diệt địch, mà chỉ "án binh bất động". Sau khi dùng vũ lực buộc triều đình Mãn Thanh nhượng bộ, ký Điều ước Bắc Kinh (25-10-1860) với nhiều điều khoản bất bình đẳng; trên đà thắng thế, hạm đội Pháp do Sác-nê cầm đầu đã kéo xuống vùng biển phía Nam xúc tiến việc đánh chiếm Nam Kỳ. Cuộc chiến đấu của quân dân ta chống lại địch diễn ra rất quyết liệt trong hai ngày liền. Nhưng trước sức công phá dữ dội của đại bác địch, cuối cùng Nguyễn Tri Phương phải rút quân về đồn Thuận Kiều, phía sau Chí Hòa. Chính vào lúc tình hình đang gay cấn như vậy thì Đỗ Quang được cử vào giữ chức Tuần phủ tỉnh Gia Định (1860), kiêm lĩnh chức Đề đốc quân vụ kiêm cả việc quân lương, tạm đóng nhiệm sở ở Bình Long, thôn Thuận Kiều, cùng Nguyễn Tri Phương lo việc chống giặc. Đỗ Quang bí mật phái người đi phủ dụ dân chúng tỉnh Gia Định, quyên tiền bạc, lương thực, chiêu mộ nghĩa binh, tích cực chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới. Nhưng chỉ ba ngày sau lại đến lượt Thuận Kiều rơi vào tay giặc (28-2-1861). Trên đà thắng thế, quân  Pháp thọc sâu vào chiếm luôn cả ba tỉnh Định Tường (4-1891), Biên Hòa (12-1861), Vĩnh Long (3-1862). Khi Biên Hòa bị chiếm đóng, Đỗ Quang không chịu chạy ra miền Trung mà bí mật quay về vùng Tân Hòa (Gò Công) tham gia các cuộc đấu tranh của nhân dân trong vùng do các văn thân yêu nước chỉ huy như Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng. Sau đó Đỗ Quang lại hợp sức với Trương Định để giữ nơi hiểm yếu chống lại quân Pháp. Khi nghĩa quân suy tôn Trương Định làm "Bình Tây Đại Nguyên soái" để giương cao ngọn cờ chống Pháp, Đỗ Quang được giao chức Đốc biện quân lương phụ trách công việc tuyển mộ nghĩa binh, quyên góp lương thảo.

Ngày 5-6-1862, triều đình Huế ký Hòa ước, dâng trọn ba tỉnh miền đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho giặc Pháp. Trương Định đã chống lại lệnh của Tự Đức bắt phải bãi binh để ở lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Còn Đỗ Quang tuân theo lệnh của triều đình về kinh, làm Tham tri Bộ Hộ, sung chức Tuần phủ tỉnh Nam Định.

Tháng 8 năm đó, ông trở lại Huế làm Tham tri Bộ Hộ trong một thời gian, rồi chuyển sang làm Tham tri Bộ Binh, sung Tham tán quân vụ quân thứ Hải An (Hải Dương - Hưng Yên). Năm 1865, Đỗ Quang được cử làm Tuần phủ Lạng Sơn -Cao Bằng. Trên đường đi nhận nhiệm vụ, tới Bắc Ninh, ông bị ốm phải ở lại để chữa bệnh. Tháng 10-1865 ông chính thức nhận chức Tuần phủ Bắc Ninh. Do bệnh lâu ngày quá nặng, lại suy nghĩ nhiều về việc dân, việc nước, Đỗ Quang đã mất ngày 7 tháng 8 năm Bính Dần (15-9-1866) tại quê nhà, thọ 60 tuổi.

Đỗ Quang, nhà văn thân quê ở miền Bắc lại gắn bó với hai miền Trung và Nam của Tổ quốc là một tấm gương sáng về một trí thức dân tộc yêu nước, thương dân và được dân yêu,  có tinh thần cao trước nhân dân và biết trọng liêm sỉ.

HỒNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Đỗ Quang