Mặt đê tả sông Rạng được mở rộng, kiên cố hóa vừa bảo đảm an toàn công trình đê điều vừa tạo thuận lợi cho giao thông phát triển.
Trong giai đoạn 2 của dự án, mặt đê tả sông Rạng sẽ được đổ bê tông, người dân đi lại càng thuận tiện hơn
Năm 2019, tuyến đê tả sông Rạng đoạn từ xã Tuấn Việt đến hết xã Kim Đính đã được đầu tư, nâng cấp với tổng chiều dài gần 10 km. Đến nay, tuyến đê này đã hoàn thành, mặt đê được ấp trúc mở rộng từ 4 m lên 7 m và rải đá răm trên mặt đê. Dự án thuộc gói thầu số 6 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 25,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương dùng để xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão lũ năm 2017. Việc nâng cấp tuyến đê không chỉ bảo đảm an toàn công trình đê điều mà còn tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Đây cũng là tuyến đê dài nhất được kiên cố hóa ở huyện Kim Thành.
Ông Phùng Văn Thông ở xóm Thuyền, thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Việt cho biết xóm có khoảng 50 hộ sinh sống gần chân đê nên đường đê trở thành một trong những tuyến đường chính của người dân. "Trước đây toàn là đê đất, mặt đê nhỏ hẹp nên đi lại khó khăn, trời nắng thì bụi mù, trời mưa lầy lội", ông Thông nói.
Khu chuyển đổi nằm sát đê tả sông Rạng nên bà Tô Thị Liên ở thôn Phù Tải, xã Kim Đính thấy rõ được sự thay đổi tại khu vực này. Bà cho biết trước đây, chỉ những hộ có đất canh tác nằm sát đê mới đi ra khu vực trên vì mặt đê xấu, đi lại khó khăn. Từ ngày mặt đê được kiên cố hóa, lượng phương tiện qua lại đây cũng nhiều hơn trước. Đoạn đường đê mới làm kéo dài từ các xã ở khu C lên các xã ở đầu huyện. Vì vậy, một số công nhân làm ở khu công nghiệp Lai Vu cũng chọn đi đường đê, an toàn hơn so với đi vòng ra quốc lộ5 như trước.
Huyện Kim Thành có 4tuyến đê thuộc đê cấp 2 và cấp 3. Tuyến đê tả sông Lai Vu dài hơn 4,5 km; sông Lạch Tray hơn 7,3 km; tuyến hữu sông Kinh Môn gần 21 km và tả sông Rạng dài hơn 21 km. Toàn huyện mới có 17 km đê được kiên cố hóa, đạt 32%. Đoạn đê tả sông Rạng từ xã Tuấn Việt đến hết xã Kim Đính là đoạn đê dài nhất được kiên cố hóa. Các tuyến đê khác chỉ được đổ bê tông từng đoạn ngắn bảo đảm khả năng chống lũ ở khu vực đó. Một số đoạn đê vẫn nhỏ, bề dày thân đê, cơ đê chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế; nhiều thùng vũng cạnh chân đê. Ở những khu vực này chưa bảo đảm an toàn công trình đê điều, người dân trong vùng đi lại cũng gặp nhiều khó khăn.
Khác với nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Kim Thành có 2 tuyến đê gồm hữu sông Kinh Môn và tả sông Rạng chạy song song với quốc lộ 5, kéo dài từ đầu đến cuối huyện. Quốc lộ 5 giao thông lại phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Việc kiên cố hóa 2 tuyến đê này có thể giải quyết được một lượng lớn phương tiện, đặc biệt là ô tô con và xe máy qua lại. Người dân sinh sống ở các xã ven đê sẽ lựa chọn đi qua đê để vừa thuận tiện vừa bảo đảm an toàn.
Ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Kim Thành đánh giá tuyến đê tả sông Rạng đã hoàn thành giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2 của dự án, mặt đê sẽ được đổ bê tông, người dân đi lại càng thuận tiện hơn. Tại tuyến đê này, xe trọng tải từ 12 tấn trở xuống được phép qua lại. Đây có thể là một trong những tuyến giao thông chính của người dân. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đầu tư kiên cố hóa thêm một số tuyến đê khác để bảo đảm an toàn công trình đê điều và tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
TRẦN HIỀN