Tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương quá chậm

09/10/2016 06:50

Do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nên mấy tháng qua Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đã chuyển động tích cực.



Sau những chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện
Hải Dương đã được triển khai thực hiện

Sức nóng từ nhiều phía

Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện 7,8 tỷ kWh/năm, tổng vốn đầu tư 2,258 tỷ USD, theo hình thức BOT. Diện tích đất sử dụng của dự án hơn 200 ha trên địa bàn các xã Phúc Thành, Quang Trung và Lê Ninh (Kinh Môn).

Nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8-2011 và tiến hành động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng sau đó mọi việc đã dừng lại. Đến tháng 5-2012 nhà máy thay đổi chứng nhận đầu tư và đến nay đã 3 lần đề nghị gia hạn tiến độ thực hiện. Thậm chí, nhà đầu tư  đến từ Malaysia còn bị nghi ngờ yếu kém năng lực tài chính để triển khai dự án này.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn, Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương có 2 địa điểm. Điểm thứ nhất ở xã Phúc Thành, Quang Trung đã được bàn giao cho chủ đầu tư hơn 4 năm, nhưng tiến độ đầu tư vẫn "dậm chân tại chỗ"; huyện không nhận được báo cáo tiến độ triển khai dự án. Điểm thứ hai tại xã Lê Ninh (bãi thải xỉ), nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện các trình tự, thủ tục để giải phóng mặt bằng...

Để xây dựng dự án, gần 1.400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu của 2 xã Phúc Thành và Quang Trung bị thu hồi đất. Cuộc sống nhiều hộ dân bị xáo trộn, chủ yếu do khó tìm việc làm thay thế. Đất đai sau khi thu hồi bị lãng phí kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Ông Đỗ Hữu Hòa (xã Phúc Thành, Kinh Môn) cho biết gia đình ông bị lấy ra gần 1 mẫu ruộng. Ban đầu mọi người hy vọng dự án triển khai sẽ góp phần phát triển quê hương. Không ít người lấy tiền đền bù đất để xây sửa nhà cho công nhân trọ, hoặc mở hàng quán, làm dịch vụ... nhưng chờ đợi mãi không có khách hàng vì dự án chưa triển khai. "Tôi còn may mắn được nhận làm hợp đồng bảo vệ cho nhà thầu san lấp, chứ nhiều người phải đi cả chục km để làm thuê, cấy mướn", ông Hòa cho biết thêm.

Lãnh đạo tỉnh cũng rất lo lắng trước tiến độ triển khai quá chậm của dự án này. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo nhà đầu tư là Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nằm trên địa bàn tỉnh, nhưng dự án này lại do Bộ Công thương quản lý. Mọi thông tin chi tiết liên quan đến chủ đầu tư, tình hình triển khai cụ thể… đều khó tiếp cận. Tỉnh chỉ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Trước những bức xúc và lo lắng từ địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2016 về năng lực của nhà đầu tư, những khó khăn, tồn tại dẫn đến việc chậm tiến độ dự án, đề xuất phương án xử lý”.  

Chuyển động dự án

Ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trước nhiều sức ép nên ngày 18-7-2016 chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Công thương giải trình lý do việc dự án đang chậm tiến độ. Để thể hiện quyết tâm, chủ đầu tư chấp thuận bỏ yêu cầu phải nhận bàn giao xong mặt bằng địa điểm thứ hai là "Ngày bắt đầu" của hợp đồng BOT. Cùng với đó, việc ký quỹ bảo đảm nghĩa vụ "Thu xếp vốn" (20 triệu USD) cũng được thay thế bằng ký quỹ bảo đảm nghĩa vụ thực hiện "Hợp đồng" (38 triệu USD). Trước những bước "nhún" này của chủ đầu tư, ngày 19-9 vừa qua Bộ Công thương đã thông báo chính thức: Xác định ngày bắt đầu hợp đồng BOT từ 1-10-2016.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến tháng 9-2016, vốn đầu tư thực hiện của dự án đã đạt khoảng 100 triệu USD. Nhiều công việc quan trọng đã và đang được triển khai như: đấu thầu xong các thiết bị chính của nhà máy (lò hơi, tua bin...); hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật cảng, nhà máy chính; hoàn thành đóng cọc thử cho nhà máy chính; thi công khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, đường vào, tường rào nhà máy; các hệ thống điện, nước phục vụ thi công... Hợp đồng tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) cũng được xác định bắt đầu từ ngày 1-4-2017. Mục tiêu vận hành thương mại tổ máy số 1 trước ngày 1-10-2020 và toàn bộ nhà máy trước ngày 1-2-2021.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan của tỉnh, huyện Kinh Môn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhất là những công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, cho thuê đất, bố trí tái định cư... Đồng thời, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để có những chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ xử lý những tồn tại; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng các cam kết, thể hiện trách nhiệm với chính quyền và người dân địa phương.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương quá chậm