Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau ung thư vú và là nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ Việt Nam.
Mới đây, loạt thông tin không có căn cứ khoa học khẳng định tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung gây ra nhiều tác dụng phụ làm dư luận thêm hoang mang.
Từ trước đến nay, vắcxin ngừa vi rút HPV (Human papilloma virus) - nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý sinh dục khác như mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo… được các bác sỹ quốc tế lẫn trong nước đánh giá là biện pháp có hiệu quả cao nhất để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Trong vòng 3-5 năm trở lại đây, đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, khuyến khích chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh, khám phụ khoa tầm soát thường xuyên, giúp tỷ lệ mắc bệnh tại nước ta có xu hướng giảm.
Trong báo cáo năm 2008 của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocan, tại Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và 17 trường hợp mới được chẩn đoán. Nhưng đến 2016, con số này giảm xuống còn khoảng 7 người tử vong và 14 ca mắc mới mỗi ngày.
Tuy nhiên, mới đây lại bất ngờ xuất hiện tin đồn phủ nhận tác dụng của vắcxin ngừa HPV, cho rằng việc tiêm vắcxin dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như rối loạn thần kinh, rối loạn miễn dịch, đột quỵ, thậm chí là tử vong. Tin đồn thất thiệt này khiến không ít bạn trẻ Việt Nam hoang mang khi đọc trên mạng.
Ung thư CTC đang không chỉ đe dọa hạnh phúc mà còn cả tính mạng của nhiều phụ nữ trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, các bác sỹ, chuyên gia đã sớm lên tiếng khẳng định rằng thông tin của bài viết cho rằng tiêm vắcxin ngừa HPV không an toàn cho sức khoẻ là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thực tế, vắcxin ngừa HPV là một tiến bộ của y học, và tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể làm giảm đến 70% nguy cơ mắc bệnh. Vắcxin HPV đã được thẩm định và lưu hành tại hơn 130 quốc gia và phụ nữ ở hơn 65 nước đã được tiêm vắcxin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Chính vì thế, tin đồn tiêm vắcxin sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, thậm chí tử vong, hay không cần tiêm ngừa vì có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung triệt để bằng nhiều biện pháp khác là hoàn toàn thất thiệt.
Trên thực tế, hiệu quả cùng sự an toàn của vắcxin ngừa HPV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Trong báo cáo mới nhất được cập nhật vào tháng 6.2017 tại trang chủ của WHO, kể từ khi được cấp phép từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 270 triệu liều vắcxin ngừa HPV được phân phối trên toàn cầu.
Tính đến nay, Uỷ ban Tư vấn về An toàn Vắcxin Toàn cầu (GACVS) đã có 6 lần xem xét dữ liệu về độ an toàn của vắcxin ngừa HPV được thực hiện trên quy mô hàng triệu người tại Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thuỵ Điển cùng nhiều nước khác để chắc chắn không có bất cứ bất lợi sức khoẻ nào xảy đến với người được tiêm phòng.
Cho đến nay, không có ghi nhận bất kỳ bất thường nào về sản khoa, sinh con, hoặc cấu trúc ở mẹ hoặc con mới sinh khi tiêm vắcxin ngừa HPV trong thời gian mang thai. Đồng thời, cũng không tồn tại bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa vắcxin phòng HPV và các triệu chứng đau hay rối loạn chức năng vận động.
Nguy cơ sốc phản vệ đã được loại trừ, bên cạnh đó GACVS cũng giải thích tình trạng ngất là kết quả của trạng thái lo âu khi tiêm phòng chứ hoàn toàn không phải là mối quan hệ nhân - quả khi tiêm phòng.
Báo cáo của WHO cũng cho thấy tín hiệu tích cực không thể phủ nhận khi các chương trình tiêm vắcxin ngừa HPV được thực hiện hiệu quả. Một số quốc gia đưa vắc xin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng đã báo cáo giảm 50% tỷ lệ mới mắc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ. Ngược lại, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung ở Nhật Bản, nơi tiêm phòng vắc xin ngừa HPV không được khuyến cáo, đã tăng đến 5,9% từ năm 2005 đến năm 2015.
Tại Việt Nam, việc tiêm vắcxin ngừa HPV cũng được các chuyên gia khuyến khích. Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Thanh cho hay: "Bất kì loại vắc xin nào trước khi được phép lưu hành cũng phải trải qua nhiều nghiên cứu và sàng lọc để khẳng định yếu tố tiên quyết là tính an toàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới đến tính hiệu quả. Đối với vắcxin ngừa HPV, tới thời điểm hiện tại chỉ quan sát thấy các tác dụng phụ tại chỗ như: đau nhẹ ở nơi tiêm, sốt nhẹ. Đến nay, trên thế giới đã có hàng triệu liều vắcxin ngừa HPV được sử dụng, ngay cả con gái tôi cũng đã tiêm ngừa."
Tiêm ngừa và thực hiện tầm soát cổ tử cung định kỳ vẫn là những biện pháp phòng bệnh tốt nhất (Ảnh minh họa)
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các loại vắcxin ngừa HPV đều đã được nghiên cứu chặt chẽ trong các thử nghiệm lâm sàng để chắc chắn rằng nó an toàn. Chính vì thế không nên nghe theo tin đồn rồi hoang mang mà tẩy chay tiêm chủng.
Rõ ràng, tiêm vắcxin ngừa HPV chính là một giải pháp hữu hiệu mở ra hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý sinh dục liên quan. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống đến 5 năm chỉ đạt khoảng 16%, nên "phòng bệnh hơn chữa bệnh", để chủ động bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của chính mình, phụ nữ đừng ngần ngại trong việc tiêm vắcxin ngừa HPV, đồng thời cần tìm hiểu thông tin y học tại những nguồn uy tín, xác thực.