Tiềm năng còn bỏ ngỏ

11/07/2013 05:34

Côn Sơn - Kiếp Bạc có hệ sinh thái phong phú, đa dạng thích hợp với loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tiềm năng to lớn này của đang còn bỏ ngỏ...




Hồ Côn Sơn là nơi có phong cảnh hữu tình, rất thích hợp để tổ chức các dịch vụ du lịch sinh thái nhưng vẫn chưa
được khai thác tương xứng  Ảnh: Tăng Bá Hanh


Yếu tố văn hóa, lịch sử kết hợp với sự linh thiêng và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã tạo nên sức hấp dẫn của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đối với du khách. Mặc dù lượng khách đến năm sau  luôn cao hơn năm trước nhưng sản phẩm du lịch ở đây vẫn chưa khai thác tốt những thế mạnh vốn có của khu di tích này.

Du khách tăng, dịch vụ vẫn “giậm chân tại chỗ”


Cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và núi Phượng Hoàng từ lâu đã hấp dẫn du khách bởi là nơi lưu lại dấu tích của các vị danh nhân, anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và có hệ thống đền, chùa nổi tiếng linh thiêng. Theo số liệu của Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm lượng du khách đến đây tăng khoảng 300 nghìn lượt người, từ trên 600 nghìn lượt người năm 2008 đã tăng lên trên 1,8 triệu lượt người năm 2012. Năm 2012, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt và đang được biết tới là một trong 4 địa chỉ thuộc quần thể di tích và thắng cảnh núi Yên Tử (gồm cả khu di tích Yên Tử, khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và khu bảo tồn thiên nhiên tây Yên Tử) đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Với lợi thế này, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn nhiều tiềm năng gia tăng lượng khách trong tương lai.

Danh tiếng và lượng khách vốn có là một “mỏ vàng” của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc song vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Trong khi lượng khách ngày một tăng thì hệ thống dịch vụ phục vụ khách tham quan và các sản phẩm du lịch nhiều năm qua hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Phục vụ khu di tích Côn Sơn có 2 khách sạn, 2 nhà nghỉ và một số nhà trọ; quanh khu di tích Kiếp Bạc có 20 nhà trọ, trong khi vào mùa lễ hội, trong những ngày cao điểm có tới 30 nghìn lượt khách tới tham quan. Vì vậy, du khách có muốn ở lại cũng không thể kiếm đủ chỗ nghỉ. Đường giao thông trong khu vực di tích hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại. Trong mùa lễ hội vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, khiến nhiều du khách phải ngần ngại.


Các dịch vụ xung quanh khu di tích đều nhỏ lẻ, mang tính tự phát như: ăn, nghỉ, chụp ảnh, hàng lưu niệm… Đây là những dịch vụ đã có từ nhiều năm qua, chỉ có số lượng là có đôi chút gia tăng. Tại di tích Côn Sơn hiện có khoảng 400 hộ kinh doanh dịch vụ, tại di tích Kiếp Bạc có 300 hộ và tại khu di tích núi Phượng Hoàng có khoảng 20 hàng quán. Các dịch vụ này chủ yếu tập trung vào dịp lễ hội, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách thập phương, đồng thời làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích. Ví dụ như ở sân chùa Côn Sơn, các hàng quán được dựng nhiều năm qua che khuất tầm nhìn của du khách, làm ảnh hưởng tới vẻ trang nghiêm cổ kính của di tích. Chất lượng của các dịch vụ thấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lễ bái chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế và văn hóa bền vững. Du khách tới các di tích này hiện chỉ có thể đi lễ, vãn cảnh một lúc rồi… về, muốn mua sắm đồ lưu niệm đặc trưng của địa phương cũng không có. Những thứ bán trong các hàng quán ở đây đều thuộc loại ở đâu cũng có. Loại hình dịch vụ văn hóa duy nhất du khách có thể hưởng thụ là nghe nhân viên thuyết minh của Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc giới thiệu về di tích.

Cần nhiều hướng đi mới


Khu di tích Côn Sơn chỉ đông du khách vào dịp lễ hội. Trong ảnh: Đoàn tế lên Ngũ nhạc linh từ. Ảnh: Thành Chung


Mặc dù lượng khách đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày một đông song hầu hết chỉ là đi du lịch tâm linh, mà loại hình du lịch này không giữ chân du khách được lâu, cũng không làm gia tăng giá trị kinh tế nhiều. Trong khi đó, Côn Sơn - Kiếp Bạc có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với núi non, rừng thông, hồ nước, sông suối… thích hợp với loại hình du lịch sinh thái. Bề dày văn hóa, lịch sử của mảnh đất này có thể khai thác để mở rộng các tour du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa, nghệ thuật. Đây là những khoảng trống cần được lấp đầy để thu hút du khách thường xuyên đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc chứ không chỉ tập trung vào hai mùa lễ hội vào mùa xuân và mùa thu. Khi du khách đến thường xuyên thì các loại hình dịch vụ cũng mới có đất sống và phát triển. 

Anh Lê Duy Mạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) cho biết, trong những năm qua, phòng cũng trăn trở nghiên cứu và có nhiều ý tưởng để tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách hơn những gì đã có. Với thế mạnh du lịch tâm linh vốn đã thu hút đông đảo du khách, có thể kết hợp với các điểm du lịch khác trong vùng như khu di tích Yên Tử, tây Yên Tử để tạo tour du lịch tìm hiểu về thiền phái Trúc Lâm. Tour du lịch về các điểm tham quan lưu dấu ấn của nhà Trần cũng là một gợi ý thú vị. Trong nội bộ khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và vùng phụ cận có thể tổ chức các tour du lịch làng nghề, khai thác thế mạnh các nghề thủ công và đặc biệt là nghề trồng cây thuốc Nam trên núi Dược Sơn, là nơi danh tướng Trần Hưng Đạo đã cho trồng cây thuốc để cứu chữa binh lính và nhân dân trong vùng. Nếu xây dựng lại được vườn thuốc này làm điểm tham quan, kết hợp với việc thăm các vị lương y hiện vẫn đang bốc thuốc trong vùng sẽ tạo thành một tour du lịch lý thú. Ngoài ra còn có thể phát triển tour du lịch sinh thái trên sông Cầu, tham quan các điểm di tích hai bên bờ sông; tổ chức các dịch vụ vui chơi, câu cá quanh khu vực hồ Côn Sơn hoặc các tour du lịch điền dã leo núi Côn Sơn, tìm hiểu các loài động, thực vật nơi đây…

Để phát triển các loại hình du lịch mới này, trước hết cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. Trong khi hệ thống khách sạn, nhà nghỉ quanh khu di tích chưa đáp ứng được nhu cầu thì các nhà tổ chức du lịch có thể bố trí cho khách ở vùng phụ cận như trung tâm thị xã Chí Linh và bảo đảm phương tiện di chuyển nhanh chóng, thuận tiện. Về lâu dài, khi lượng khách đến ổn định quanh năm thì sẽ có nhiều đơn vị tư nhân mạnh dạn đầu tư vào dịch vụ lưu trú. Để tổ chức được các tour du lịch tìm hiểu về thiền phái Trúc Lâm hay triều đại nhà Trần, ban quản lý di tích cần sự liên kết với các khu di tích khác của các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định. Khi đã thiết kế được các tour du lịch mới thì cần quảng bá rộng khắp và phối hợp với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút khách. Xây dựng và điều hành các dịch vụ du lịch kiểu mới như vậy cần một đội ngũ những người làm du lịch chuyên nghiệp, am hiểu về cả kinh tế lẫn văn hóa, lịch sử, tự nhiên. Đây cũng là khoảng trống cần bồi lấp, vì hiện Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chưa có Phòng Du lịch mà công tác xúc tiến du lịch đều do Phòng Nghiệp vụ làm kiêm nhiệm.

Tạo những hướng đi mới cho dịch vụ du lịch ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là con đường vẫn còn khá xa. Để đi tới đích trên con đường ấy cần tới sự đầu tư về cả nhân lực và vật lực để tháo gỡ dần những khó khăn đã tồn tại ở đây trong nhiều năm qua.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm năng còn bỏ ngỏ