Tiềm năng cây ổi Hiệp Lực

04/03/2020 11:02

​Những năm qua, phong trào chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.


Nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình trồng ổi an toàn

Điều này cũng đòi hỏi xã cần xây dựng thương hiệu cho quả ổi để nâng cao giá trị hơn nữa.

Mùa thu hoạch ổi Hiệp Lực từ đầu tháng 4, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 9 đến cuối năm. Lúc cao điểm, mỗi ngày người trồng ổi ở Hiệp Lực thu hoạch hàng chục tấn để bán cho thương lái.

Ông Lê Lương Dân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cho biết: "Ổi Hiệp Lực nức tiếng bấy lâu nay nên bà con nông dân khi thu hoạch xong không phải vất vả mang đi xa tiêu thụ. Thương lái chủ động đến tận vườn thu mua. Năm 2019, nhiều gia đình đã thu về cả trăm triệu đồng từ cây ổi".

Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả ở Hiệp Lực bắt đầu từ năm 2005, xuất phát từ thôn Hiệp Thọ. Một số người dân trong thôn khi đó đã mạnh dạn đưa giống ổi bo về trồng.

Quy mô ban đầu còn nhỏ lẻ, ổi được trồng chủ yếu trong vườn nhà. Sau thấy cây ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã đưa ra trồng ngoài đồng. Cũng từ đây, diện tích trồng ổi ngày càng được mở rộng ra những thôn khác.

Đến nay, toàn xã có trên 100 ha trồng ổi, chiếm khoảng 30% tổng diện tích canh tác, tập trung nhiều ở thôn Hiệp Thọ (40 ha), thôn Tiền (30 ha)... Hiện 95% diện tích trồng giống ổi bo trơn Thái Bình và 5% diện tích trồng giống ổi Đài Loan.

Do đồng đất Hiệp Lực phù hợp nên cây ổi phát triển nhanh, quả to, mọng, ngon, mẫu mã đẹp, được thị trường rất ưa chuộng. Bình quân mỗi vụ thu hoạch, người dân thu lãi từ 5-8 triệu đồng/sào, cao gấp 10 lần so với cấy lúa.

Năm 2019, tổng giá trị thu được từ trồng ổi đạt trên 30 tỷ đồng, bằng gần 50% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, từ 40 ha ban đầu, đến nay, 100% diện tích trồng ổi đều tuân thủ theo quy trình VietGAP.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận VietGAP được cấp cho cây ổi của địa phương đã hết hiệu lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

"Cái khó để đánh giá, công nhận ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP là kinh phí thực hiện. HTX đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề nghị sở, ngành, địa phương hỗ trợ kinh phí. Đồng thời đánh giá lại quy trình sản xuất ổi an toàn để cấp lại giấy chứng nhận VietGAP cho ổi Hiệp Lực", ông Dân nói.

Bên cạnh đó, xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, huyện tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tuyên truyền đến người dân nghiêm túc thực hiện trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho quả ổi của địa phương.

LÊ TRẦN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm năng cây ổi Hiệp Lực