Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm

22/02/2012 08:07

Tại những nơi xuất hiện gia cầm, thủy cầm chết do dịch, người chăn nuôi vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác phòng dịch...



Nhiều nơi nông dân vẫn chưa chú trọng công tác phòng, chống dịch cúm H5N1, thả đàn thủy cầm tự do


Chị Đặng Thị Yến ở thôn Nho Lâm, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) chăn nuôi gần 11 nghìn con vịt. Ngày 17-2, chị Yến báo cán bộ thú y xã, một số con vịt bị chết. Cán bộ thú y xã xuống nắm tình hình và hướng dẫn chị Yến các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh. Đến ngày 18- 2, chị Yến lại báo có thêm 200 con vịt bị chết. Trạm Thú y huyện Tứ Kỳ báo cáo Chi cục Thú y tỉnh. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tứ Kỳ cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy đàn vịt thương phẩm một số con chân không đi được, đi ngoài phân xanh, phân trắng, 2 con bị sưng đầu. Khi mổ để kiểm tra bên trong thì hầu họng vịt bình thường, hệ tiêu hóa, vùng da mỏng ở đùi, đầu gối và đầu  không bị xuất huyết, màng bụng không tích nước, gan tím sưng. Ngày 18- 2, cán bộ Chi cục Thú y, Trạm Thú y huyện và UBND xã Văn Tố đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt thương phẩm của gia đình chị Yến để xét nghiệm vi-rút H5N1. Ngày 20-2, Cơ quan Thú y vùng 2 (Hải Phòng) trả lời, 2 mẫu đều âm tính với vi-rút H5N1. Đối với những con đã chết, chị Yến cho vào bao tải vứt xuống sông. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu gia đình chị Yến vớt lên và tự chôn hủy theo hướng dẫn của Ban Chăn nuôi thú y xã”.

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi vịt của gia đình chị Yến được xây dựng ngoài cánh đồng. Hầu hết các chuồng vịt đều được làm bằng tấm phên nứa, dựng ngay trên mặt sông. Một số dãy chuồng tường được xây bằng gạch ba-banh cao chừng 1 m, bên trên lợp ngói phi-brô xi- măng, đoạn nối giữa tường và phần lợp ngói được chị Yến che bằng tấm bạt mỏng, có nhiều chỗ hở, gió dễ lùa vào. Xung quanh khu vực chăn nuôi, thậm chí trong khuôn viên cho vịt ăn cũng không được rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng. Thức ăn cho vịt rắc ngay xuống nền xi-măng.

Tại xã Ngô Quyền (Thanh Miện), mặc dù đã xảy ra dịch cúm H5N1 nhưng trên các con kênh dẫn vào xã, chúng tôi thấy vẫn có gia đình thả vịt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều hộ dân ở xã Ngô Quyền chăn nuôi vịt nhưng không có chuồng trại. Mỗi hộ chia nhau một đoạn kênh và dùng lưới quây lại để nuôi. Bên trên dùng cọc tre và tấm bạt căng lên để làm nơi trú ngụ cho vịt. Do chăn nuôi không có quy củ như vậy nên công tác phòng, chống dịch cũng lỏng lẻo: không phun thuốc tiêu độc, khử trùng, không cách ly mặc dù xã đã công bố dịch. Do nuôi cách xa nhà nên việc kiểm soát dịch bệnh của những gia đình này khá lỏng lẻo.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2011 đến nay, do vi-rút H5N1 đã biến thể sang chủng khác nên toàn bộ gia cầm của tỉnh không được tiêm phòng. Trong khi đó, tại tỉnh ta dịch cúm gia cầm đã từng xuất hiện. Mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường. Công tác phòng bệnh không tốt sẽ làm cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Tại các hộ bị dịch cúm H5N1 ở xã Ngô Quyền, điều kiện chăn nuôi đều không bảo đảm. Chuồng trại không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lại chăn nuôi với số lượng lớn, vượt quá công suất thiết kế của chuồng. Việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực nuôi chưa được chú trọng. Nhiều hộ chăn nuôi chưa biết cách tự bảo vệ đàn gia cầm, thủy cầm. Không che chắn chuồng trại cẩn thận, không bổ sung thức ăn, tăng cường chất dinh dưỡng cho đàn vịt dẫn đến sức đề kháng của chúng giảm, khả năng chống chịu với giá rét kém, dễ bị mắc bệnh. Cán bộ một số địa phương không nắm được số lượng chăn nuôi thực tế nên khó kiểm soát được tình hình.

Trước tình trạng trên, Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chấn chỉnh lại công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Cần cử người giám sát tình hình chăn nuôi, nắm chắc số lượng gia súc, gia cầm để quản lý dịch bệnh trong những ngày tới và phục vụ cho công tác tiêm phòng. Tăng cường tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi, xuống tận gia đình để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh. Khi gia cầm, thủy cầm có dấu hiệu bị ốm, các hộ chăn nuôi phải báo cơ quan chức năng để được hướng dẫn và chữa trị theo đúng phác đồ điều trị. Không được vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi mà phải chôn theo đúng quy trình. Các địa phương tăng cường phun thuốc sát trùng, tiêu độc. Những trang trại chăn nuôi với quy mô lớn cần chủ động trong việc phòng, chống, không nên trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên.  Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch nên gia cầm, thủy cầm đang bị mất giá trên thị trường, thậm chí không thể tiêu thụ được. Trong khi đó, với những gia cầm, thủy cầm bị cúm H5N1, nếu bị tiêu hủy sẽ được tỉnh hỗ trợ theo quy định. Lợi dụng sự hỗ trợ này, một số hộ dân đã không chăm sóc chu đáo cho đàn gia cầm, thủy cầm dẫn đến vật nuôi bị chết để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi chưa nắm được hết quy định của Nhà nước là nếu xét nghiệm dương tính với vi-rút H5N1 thì khi tiêu hủy mới nhận được hỗ trợ. Và sẽ phải tiêu hủy toàn bộ số gia cầm, thủy cầm đang nuôi, kể cả những con chưa chết. Khi đó, thiệt hại cho người chăn nuôi là rất lớn. Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền địa phương, ngoài việc tuyên truyền về phòng, chống dịch còn cần tuyên truyền cơ chế, chính sách, quy định về hỗ trợ của Nhà nước để người dân nắm được và thực hiện.


Tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm



Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trọng Thừa (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm tại nhà ông Bùi Văn Mùi, thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện)

Chiều 21-2, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện).

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trọng Thừa yêu cầu các cơ quan chức năng cần phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở để chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, thường xuyên có cán bộ trực tại điểm có dịch; tích cực hướng dẫn cho nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc khoanh vùng, dập dịch, cách ly gia cầm ở vùng dịch với vùng khác; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng cho chuồng trại, xử lý môi trường vùng dịch. Kiểm tra các chốt kiểm dịch, cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm để không cho dịch lây lan ra diện rộng. Phải có biển báo vùng dịch để người dân đề phòng. Người chăn nuôi phải thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch là: không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi. Chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây từ gia cầm sang người.

Vừa qua, 6 hộ dân ở xã Ngô Quyền có gia cầm bị nhiễm vi-rút H5N1 với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 4.135 con. Đến nay, toàn tỉnh có duy nhất xã Ngô Quyền có dịch cúm gia cầm.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm