Cách đây 59 năm, trên báo Nhân Dân, số 150, từ ngày 26 đến 30-11-1953, trong bài báo “Tích cực và nóng nảy” (bút danh C.B), Bác phân tích:
“Tích cực là gắn liền khí khái cách mạng với tinh thần thực tế. Tích cực thì mọi việc đều thành công. Nóng nảy là một thứ bệnh tiểu tư sản, làm việc mà nóng nảy thì nhất định thất bại” và kết bằng câu thơ: “Tích cực, thì sẽ thành công/ Nóng nảy, kết quả sẽ không ra gì”.
Bác cho rằng: “Tính cực là bất kỳ việc gì cũng vui vẻ hăng hái, có tinh thần phụ trách, vượt mọi khó khăn, quyết làm tròn nhiệm vụ. Đối với mọi việc đều điều tra cẩn thận, nghiên cứu rõ ràng, dựa theo hoàn cảnh thiết thực, có kế hoạch, có từng bước, tỉnh táo, bền bỉ, không chủ quan. Thế là tích cực. Mà như thế thì mọi việc đều thành công”.
Còn “nóng nảy là việc gì cũng chủ quan, không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, vội vàng, muốn làm cho mau, làm ẩu. Thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó". Do vậy, “chúng ta phải tránh tính nóng nảy, phải nâng cao tinh thần tích cực”.
Trong giao tiếp, ứng xử, Bác cũng để lại rất nhiều bài học quý giá. Tự bản thân Bác đã nêu gương. Có một sĩ quan của ta tuy có tài mưu lược, dũng cảm, nhưng mắc khuyết điểm nóng nảy, thô bạo với chiến sĩ. Khi biết, Bác không hài lòng. Bác muốn dạy cho người chỉ huy này bài học để trở nên tốt hơn. Bác cho gọi người chỉ huy này đến gặp vào một ngày trưa hè nắng như đổ lửa. Bác không cho vào ngay mà dặn đồng chí ở trạm gác: Nếu đồng chí đó đến thì đừng cho vào vội, đúng giờ Ngọ hãy cho vào gặp, Bác đợi. Đi rất xa, đường nắng, nhễ nhại mồ hôi, 12 giờ, Bác mới cho vào gặp, vào đến nơi đã thấy Bác ngồi đợi, Bác rót sẵn cốc nước sôi và nói: “Chú uống nước đi”. Khi người chỉ huy bày tỏ sự không thể uống ngay nước nóng được, Bác mới nhẹ nhàng nói: “Bác rất buồn khi được báo cáo rằng chú hay đánh đập chiến sĩ lắm, xúc phạm họ. Nước nóng chú không uống được, Bác cũng không uống được. Tại sao chú lại nóng với chiến sĩ như vậy?” Người chỉ huy đó nhận ra lỗi lầm và không bao giờ tái phạm nữa.
Với Bác Hồ, làm tốt những điều nhỏ nhất, là để hoàn thiện cái lớn nhất. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đúng như lời Người căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Hương Sơn (biên soạn)