Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chính là góp phần đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Để thực hiện có hiệu quả “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đưa ra 4 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhóm giải pháp thứ tư. Nhưng theo tôi, nhóm giải pháp này phải được triển khai trước tiên và thường xuyên, liên tục trong cả quá trình thực hiện nghị quyết. Vì tư tưởng là nền tảng chỉ đạo hành động. Tư tưởng đúng làm cơ sở cho hành động đúng. Chính trị là mục tiêu phấn đấu, là cơ sở để tập hợp lực lượng cách mạng.
Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên và quần chúng phải thấm nhuần mục tiêu lý tưởng của Đảng, thống nhất cả về tư tưởng và hành động, đoàn kết, đồng thuận cao theo đường lối của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Xuất phát từ thực trạng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và tình hình chính trị, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng hiện nay còn nhiều yếu kém, nhất là nguy cơ “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” tư tưởng trong cán bộ, đảng viên; cùng với đó là sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng ta về chính trị, tư tưởng. Do đó, phải tiến hành giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, giáo dục từ trên xuống và giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong Đảng, phải giáo dục trước hết là người chủ trì, đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong xã hội phải giáo dục để đảng viên là người làm gương cho quần chúng nhân dân và các tầng lớp xã hội khác noi theo. Mục đích của giáo dục phải tạo được sự đồng thuận toàn xã hội về mục tiêu lý tưởng của Đảng, quá trình triển khai thực hiện mục tiêu ấy của chính quyền từ Trung ương đến cơ sở.
Quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng phải vận dụng linh hoạt và đa dạng các hình thức, biện pháp. Trước hết, phải tổ chức tốt hình thức lên lớp chính trị cho cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị. Cần quan tâm hơn nữa đến các trung tâm giáo dục chính trị. Đổi mới và nâng cao chất lượng môn giáo dục công dân, dạy các môn lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin trong các nhà trường. Triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hành động cách mạng. Tổ chức tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động trong toàn xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với mọi tầng lớp nhân dân. Phấn đấu mọi tầng lớp xã hội đều đồng thuận và hành động đúng với đường lối, chủ chương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương. Ở ngay cơ sở, tất cả cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền phải kịp thời phát hiện, giải quyết những hiện tượng tư tưởng mới nảy sinh. Những tư tưởng tiêu cực không để lây lan, kéo dài. Cần sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên ngay từ lúc còn manh nha. Nếu là tư tưởng tích cực, tiến bộ cần được biểu dương nhân rộng thành điển hình tiên tiến. Khắc phục tình trạng tốt không ai khen, yếu, kém không ai nhắc nhở, phê bình hoặc tư tưởng trung bình chủ nghĩa, chờ thời, ỷ lại, chạy chức, chạy quyền… Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động tổng kết thực tiễn triển khai mục tiêu, nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị; rút kinh nghiệm từ những yếu kém và biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích tốt. Tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng các cấp. Quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng phải gắn với từng đối tượng, cơ quan và địa phương cụ thể. Khắc phục tình trạng thiếu lý luận, thực tiễn, thiếu cơ sở vật chất trong giáo dục.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một mặt hoạt động quan trọng của các tổ chức đảng. Thực hiện tốt công tác này chính là góp phần đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; góp phần tăng cường vai trò của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
ĐẶNG VĂN THUẤN