Đây là một trong những nội dung của phiên họp thứ 23 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 19.4.
Dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua quy định tổ chức cấp chính quyền địa phương (tức gồm HĐND và UBND). Nhiều ý kiến bày tỏ tán thành và nhấn mạnh điều này là phù hợp với Hiến pháp. Số lượng đại biểu HĐND đặc khu không quá 15 người cũng thể hiện quan điểm tổ chức tinh gọn, tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định cụ thể về tỷ lệ đại biểu chuyên trách hoặc số lượng đại biểu chuyên trách.
Bên cạnh đó cũng còn ý kiến cho rằng luật cần có quy định mang tính đột phá hơn để thể hiện sự “đặc biệt” và “không sợ không kiểm soát được quyền lực” khi thể hiện rõ quyền lực được trao đặc thù thì trách nhiệm cũng phải đặc thù.
Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội |
Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng đây không phải là thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực giám sát. Ban này chỉ là tổ chức tham vấn, khuyến nghị thì không cần thiết để Thủ tướng thành lập mà có thể để Chủ tịch UBND đặc khu thành lập trên sự chí thành tuyển người tài.
Một trong những dự luật thu hút sự quan tâm thời gian qua sẽ được tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp 23 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, nội dung đang nhận được nhiều ý kiến là việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.
Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định. Và nếu áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định rõ việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp, do phạm tội mà có.
Cũng tại phiên họp 23, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hàng loạt dự án luật, như: Cảnh sát biển, Đặc xá, Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Quản lý phát triển đô thị, Công an nhân dân (sửa đổi)...
Các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” và việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 cũng được trình tại phiên họp lần này.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
NGỌC THÀNH (VOV)