Qua rà soát và lấy ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe để trình Quốc hội thông qua.
Trả lời tại họp báo trước kỳ họp sáng 19/5, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An cho biết tại kỳ họp 7 khai mạc 20/5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quá trình thảo luận, có hai luồng ý kiến, gồm: ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn và đề nghị quy định ngưỡng cụ thể xử phạt.
Theo ông An, cơ quan soạn thảo là Bộ Công an và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng An ninh đã nghiên cứu kỹ ý kiến đại biểu, lấy ý kiến chuyên gia tại hội thảo, tọa đàm và trao đổi cụ thể để Chính phủ nghiên cứu. "Kết quả, phần lớn ý kiến đồng tình cấm tuyệt đối", ông nói.
Đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết Ủy ban cũng tham khảo ý kiến người dân thông qua các kênh báo chí. Ông lấy ví dụ báo VnExpress đưa ra rất nhiều luận cứ, luận điểm về vấn đề này và được đông đảo độc giả quan tâm. "Chúng tôi đọc từng comment để đánh giá kỹ lưỡng. Vì đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban rất thận trọng, xem xét tiếp thu từng quan điểm", ông An cho hay.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh khẳng định việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật hiện hành đều quy định cấm tuyệt đối. Vì vậy, lựa chọn phương án này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học và được đại biểu ủng hộ.
Tranh luận "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe" bắt đầu từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, khi một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp". Những người này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong văn bản tham gia giải trình một số nội dung mới của dự thảo Luật, Bộ Công an cũng bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện để giúp người lái xe tránh tình trạng "bị ép uống rượu". Hơn nữa, tài xế khi tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh để xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
TN (theo VnE)