Lần nào về Hải Dương, tôi cũng thấm thía một cảm giác lạ lắm, bởi thương mến những dải lụa sông, như được trở về làng mình để được những bạt ngàn xanh ngát vỗ về, nuôi nấng.
Nhìn trên bàn đồ sẽ thấy Hải Dương thật giàu có những con sông. Dường như mỗi huyện đều được bao bọc tứ bề bởi sông. Những con sông như những con rồng xanh, lớn nhỏ, tiếp nối với nhau, đai vào nhau, quện vào lòng châu thổ làm nên mùa màng tươi tốt.
Các dòng sông nơi đây đều hiền hòa, đẹp như những dải lụa, lặng lẽ chảy theo ngày tháng, làm nên vẻ đẹp của làng xã, tưới tắm cho mùa màng, cây cối. Mà lạ lắm, mỗi khi nghĩ về những con sông, tôi thường nghĩ về phận sông. Sông cũng có cá tính, có lúc vui buồn, lúc cần vỗ về. Nhưng sông luôn rộng lượng, luôn che chở, mang đến những điều ngọt mát cho con người. Mỗi khi nghĩ đến sông Thái Bình, sông Kinh Thầy… tôi lại nghĩ về những niềm thơ với bao ký ức thuở thiếu thời. Bởi sông gợi nhiều cảm hứng sống tốt đẹp, sông cho sự an lành, tự tại và niềm hy vọng vào xuân mới.
Ở những thành phố lớn và nhiều nơi, ô nhiễm không khí làm con người mệt mỏi. Nhưng khi về với sông, sông xua bớt đi sự nhọc mệt, sông làm khúc nhạc vui, vỗ về. Các ngôi làng bây giờ nhiều người đi làm ăn xa. Nhiều người vẫn ước mong được về quê ngày Tết. Về để được đi lại trên con đê qua làng mình, thấm thía không khí xuân thắp lên từng ngọn cỏ, từng cánh cò, từng con sông bình yên. Và thể nào, trong những ngày chuẩn bị Tết chả bắt gặp những chuyến xe chở đào quất, hoa đi qua lối đê rẽ vào làng. Người làng bao giờ cũng chất phác, dễ gần. Người xứ Đông mộc mạc nghĩa tình và hào phóng. Hào phóng như những con sông bao đời mang dòng nước mát cho những cánh đồng, khu dân cư và chắp nối cảm xúc để các nghệ sĩ chưng cất thành tác phẩm nghệ thuật. Khi về với làng, với sông, tôi luôn được thăng hoa với vẻ đẹp của những bến nước, con đò.
Một lần khám phá, tôi biết một điều rằng, Hải Dương cũng từng có chợ nổi trên sông. Đó là chợ nổi An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách. Nơi đây từng là kế sinh nhai, nơi diễn ra cuộc mưu sinh sông nước đầy sóng gió của người dân trên sông Kinh Thầy. Chợ nổi An Bình không còn nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên ở đó. Và con sông anh dũng, con sông hiền hòa, con sông dịu dàng như lời mẹ ru đã đi vào tâm thức của những người con xứ Đông, ngọt ngào như “Hạt gạo làng ta”. Còn sông Luộc, một con sông kết nối sông Hồng và sông Thái Bình hình thành nên một vùng châu thổ trù mật. Sông Luộc chảy qua những vùng trầm tích lịch sử, văn hóa như: Đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, chùa Tranh, đình Trịnh Xuyên... Truyền thuyết kể rằng, Lê Hoàn đánh quân Tống xâm lược, Hưng Đạo vương đánh quân Nguyên Mông đều làm lễ tế tại đền Tranh và giành thắng lợi. Sông Luộc chảy qua Thanh Miện hình thành một vùng ngập nước điển hình, tạo nên Đảo Cò Chi Lăng Nam nổi tiếng.
Nói đến Hải Dương, người ta cũng nhớ ngay đến món rươi nổi tiếng. Nếu không có hệ thống sông ngòi dày đặc và tiếp giáp cửa biển, một món quà của tạo hóa, chắc gì đã có thương hiệu rươi Tứ Kỳ. Rươi có thể xuất hiện ở nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… nhưng rươi ngon và nổi tiếng nhất là ở Tứ Kỳ (Hải Dương).
Cuộc sống ấm no từng ngày, những mùa cây tươi tốt tiếp diễn trong niềm lạc quan đi tới. Từ mỗi ngõ xóm, góc làng, khu sinh thái đến con phố, khu dân cư đông đúc… Tất thảy đều hiện diện sự bừng sáng của khí thế xuân ấm, khí thế tiến bước. Người xứ Đông biết ơn những con sông, những người bạn sông đã bồi đắp cho đồng bãi, chuốt lòng mình thành dải lụa thắp tươi. Như thế, sông là di sản sống động, sẽ vẫn nuôi nấng cho cuộc sống hôm nay và mai sau, để vùng đất địa linh nhân kiệt tiếp tục khẳng định mình. Tôi có thể cảm nhận được, những con sông đang kê cao mảnh đất xứ Đông.
NGUYỄN VĂN HỌC