Nhà Trắng dưới thời Trump tin rằng, chính sách ngoại giao với Moskva sẽ “sang trang”.
Thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đã chứng kiến rất nhiều dấu mốc đáng nhớ trong chính sách ngoại giao của Donald Trump.Hàng thế kỷ qua, các vấn đề trong quan hệ với Nga luôn như một thách thức mà bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào đều muốn vượt qua. Donald Trump không phải một ngoại lệ.
Những tuyên bố Trump đưa ra trong hơn một năm qua về vấn đề Nga, về Tổng thống Vladimir Putin là minh chứng rõ ràng nhất rằng ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng đang khao khát “ghi danh” khi giải quyết được những “điểm nóng” trong quan hệ giữa 2 siêu cường, bao gồm vấn đề Crimea, cuộc chiến tại miền Đông Ukraine và Syria, hàng loạt vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt và nội dung liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016.
Cái nhìn từ quá khứ
Cốt lõi của “khác biệt Nga-Mỹ” là cách thức tiếp cận trong các chính sách về ngoại giao. Cho đến trước thời kỳ Donald Trump, nước Mỹ luôn đấu tranh cho “trật tự tự do quốc tế”, bao gồm chủ nghĩa tự do chính trị, kinh tế và tự do trong mối quan hệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy các giá trị tự do khác vượt ra xa khỏi biên giới Mỹ. Trong khi đó, Nga thể hiện sự tôn trọng triệt để vào một lý thuyết rất khác, đó là chủ nghĩa thực tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích quốc gia so với những giá trị tự do trong việc thực hiện chính sách đối ngoại. Điều này đã tạo nên một sự tương phản rõ rệt, trong khi Washington theo đuổi một sự tự do quốc tế, Moskva lại cố gắng ngăn cản “sự bành trướng tự do” ấy, đặc biệt là trong những vấn đề có liên quan đến lợi ích Nga.
Sự bất đồng cơ bản này dường như đã không được giải quyết một cách triệt để trong một thời gian dài hàng thế kỷ qua. Dưới thời Donald Trump, nước Mỹ nhận ra rằng theo đuổi sự tự do quốc tế, “vươn tay can thiệp” vào nhiều khu vực “nằm ngoài Mỹ” hoàn toàn không phải hướng đi hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng đến nền chính trị cũng như kinh tế. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng hiểu rằng đây không phải vấn đề có thể xử lý trong “một sớm một chiều”.
Trong quá khứ, chính quyền Mỹ đã từng nỗ lực nhằm tìm cách kéo Nga “xích lại gần hơn” với Mỹ. Quan hệ đối tác mới với Điện Kremlin dưới thời cựu Tổng thống Bill Clintonnhằm giúp Nga cơ cấu lại kinh tế, trở thành một nền kinh tế thị trường và xã hội dân chủ. Đổi lại, Nhà Trắng thời đó mong muốn rằng Nga sẽ tham gia vào “thế giới tự do” mà Mỹ tạo dựng. Thậm chí, Washington đã đề nghị Nga gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm xoa dịu những lo ngại của Moskva về những đe dọa tiềm tàng đến từ một khối liên minh với Mỹ.
Đến thời kỳ George W. Bush, Washington đã hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là sau sự kiện ngày 11.9. Nhà Trắng đã xác định lại mối quan hệ hạt nhân chiến lược với Điện Kremlin bằng cách xóa bỏ khái niệm về hệ thống “tiêu diệt lẫn nhau” (MAD).
Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã có nhiều động thái nhằm “thiết lập lại” mối quan hệ với Nga sau hậu quả để lại từ cuộc chiến Nga-Gruzia hồi năm 2008. Mục tiêu chính của Barack Obama trong đối thoại với Nga là về chính sách hiện đại hóa. Giống như nhiều chính sách trước đó, Nhà Trắng dưới thời Obama cũng mong muốn một sự thay đổi từ bên trong nước Nga, nhằm hướng đến một sự thay đổi về chính sách đối ngoại và chấp nhận một “thế giới tự do” do Mỹ khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đều không thành công.
Về phần mình, Điện Kremlin từng nhiều lần lên tiếng về cách thức Washington hành xử. Moskva từng chỉ trích Nhà Trắng về việc phá vỡ lời hứa khi mở rộng quy mô cũng như tầm hoạt động của khối NATO, lên án sự can thiệp vào chính trị nội bộ của Nga. Đồng thời cho rằng việc Mỹ sử dụng “tiêu chuẩn kép” khi sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế để đạt được các mục tiêu khác về chính trị và ngoại giao là nguyên nhân khiến mổi quan hệ Nga-Mỹ đi xuống.
Mong muốn từ tương lai
Nước Mỹ, dưới thời Donald Trump, đã rất khác. Kể từ thời điểm vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã luôn thể hiện mong muốn về một thỏa thuận với Vladimir Putin. Nhà Trắng dưới thời Trump tin rằng, chính sách ngoại giao với Moskva sẽ “sang trang”. Trong khoảng 18 tháng cầm quyền, chính sự hoài nghi từ các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao, Quốc phòng hay thậm chí từ các cố vấn an ninh quốc gia đã làm suy giảm nỗ lực đối thoại với Nga của Donald Trump. Tuy nhiên, những gì đã đạt được từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua đã củng cố thêm niềm tin về một đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ thành công.
Đối thoại Helsinki và tương lai về một cục diện mới. Ảnh: WHSV.com
Tình trạng căng thẳng và sự “nghèo nàn” trong các kênh ngoại giao cấp cao đã khiến bất đồng Nga-Mỹ chưa thể tháo gỡ. Mặc dù luôn có những “rạn nứt”, song theo các chuyên gia, việc Nga-Mỹ cùng “ngồi lại với nhau” tới đây là một dấu hiệu tích cực trong triển vọng “khơi thông bế tắc” giữa hai siêu cường. Một trong số những diễn biến có thể đoán trước là việc thiết lập lại một số kênh liên lạc đã bị gián đoạn kể từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 và cuộc chiến miền Đông Ukraina. Một số nhà quan sát nhận định đối thoại thượng đỉnh tới đây sẽ đặt nền móng cho các nội dung dài kỳ giữa Moskva và Washington, bao gồm vấn đề Ukraina, Syria và Iran, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề khủng bố toàn cầu, và vấn đề tấn công mạng. Phía Điện Kremlin rõ ràng cũng mong muốn thảo luận về các lệnh trừng phạt đang nhằm vào Nga, mặc dù khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật CAATSA (đạo luật về chống lại những đối thủ của nước Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt).
Đối với Donald Trump, thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này là một cơ hội khác để chứng tỏ về một mối quan hệ hiệu quả với Putin. Đồng thời, Trump muốn thể hiện hình ảnh một vị tổng thống xứng đáng ngồi vào bàn đàm phán về tất cả những quyết sách quan trọng mang tầm thế giới. Một số chuyên gia nhận định rằng tại thời điểm này, chưa thể rõ ràng điều gì về mong muốn của Donald Trump, ngoài việc sẽ cùng Putin ra tuyên bố chung mang tính biểu tượng về việc sẽ cùng hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Ukraina, Syria hay quan hệ song phương. Đối với Vladimir Putin, đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này có thể coi như dấu chấm hết cho sự cô lập mà Washington tìm cách áp đặt nhằm vào Nga kể từ sau các hành động tại Ukraina.
Trong bối cảnh hiện tại, tình hình Syria chắc chắn sẽ là một ưu tiên trên bàn đàm phán. Nội dung đàm phán tránh xung đột tại khu vực này chủ yếu nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ trực tiếp Mỹ-Nga. Đặc biệt, nhiều cuộc chạm trán giữa các lực lượng do Mỹ lãnh đạo hay lính đánh thuê Nga nhằm giành quyền kiểm soát một mỏ dầu tại khu vực Deir al-Zour hồi tháng 2 vừa qua, khiến hơn 200 tay súng Nga thiệt mạng, đã khiến Nga-Mỹ lo ngại.
Ngoài ra, vấn đề Iran cũng sẽ là một ưu tiên được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Bởi vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến Syria và bởi sự kiện Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký (Kế hoạch Hành động chung Toàn diện-JCPOA). Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích động thái của Washington, song đây cũng là cơ hội giúp Moskva tìm kiếm vai trò như một trung gian hòa giải cho vấn đề Iran.
Một nội dung khác có thể sẽ xuất hiện tại đối thoại thượng đỉnh lần này, đó là về vấn đề kiểm soát vũ khí. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (Hiệp ước START mới) về việc hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ hết hạn vào năm 2021. Rất có thể hai nhà lãnh đạo sẽ đồng ý gia hạn hiệp ước này.
Đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ có thể sẽ ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, Donald Trump sẽ gặp người đồng cấp Vladimir Putin sau khi tham dự cuộc họp với NATO. Một số đồng minh của Mỹ tỏ ra lo ngại về nội dung đằng sau đối thoại Trump-Putin lần này, xuất phát từ chính những chỉ trích của Donald Trump về NATO và sự mập mờ công nhận Crimea thuộc về Nga. Nói chính xác hơn, đồng minh Mỹ lo ngại sẽ có những “cuộc đổi chác” trong các phiên họp kín tại Helsinki tới đây. Kết quả khả dĩ nhất của hội nghị thượng đỉnh lần này là cả Donald Trump và Vladimir Putin cùng tuyên bố về một hội nghị thượng đỉnh thành công và nhường phần việc chi tiết còn lại cho các quan chức cấp dưới. Một cục diện mới đang dần hé lộ, một “quan hệ Nga-Mỹ kiểu mới” có thể sẽ được hình thành, chỉ sau chưa đầy 2 tuần nữa.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)