Chiến tranh đã lùi xa, một phần xương máu của các thương binh, bệnh binh nằm lại chiến trường khốc liệt. Dẫu vậy, họ chưa bao giờ ngừng nỗ lực trong cuộc sống với tinh thần “tàn nhưng không phế”.
Em họ gọi điện nhờ tôi khuyên chú tôi - thương binh, tỷ lệ thương tật 61% - không nên đi lên Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì sức khỏe của chú không tốt và để vào viếng Tổng Bí thư cũng không phải dễ dàng. Sau khi nghe tôi phân tích, chú đã đồng ý với con cháu là ở nhà dõi theo lễ tang, lễ truy điệu Tổng Bí thư qua truyền hình trực tiếp trên ti vi. Chú còn nhắc chị em chúng tôi phải sắp xếp công việc để vài tuần sau đưa chú đến thắp hương mộ Tổng Bí thư. Chú không quên dặn tôi nhớ kỹ câu nói của Tổng Bí thư: “Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng nhất”.
Sự kính trọng, niềm tiếc thương của chú tôi đối với Tổng Bí thư khiến chị em tôi xúc động. Em tôi kể, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, chú sững sờ, lặng người, giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt teo tóp của chú. Khi trên Facebook có thông tin nhà xe Lâm Anh ở Ninh Giang phối hợp với một số nhà xe bố trí 3 xe ô tô với 100 chỗ ngồi chở miễn phí người dân có nhu cầu lên Hà Nội viếng Tổng Bí thư, chú tôi cùng 4 cựu chiến binh đăng ký ngay. Tuy nhiên, nhà xe thông báo không thể tổ chức 3 chuyến xe miễn phí do một vài lý do khách quan, nên nhóm của chú tôi định thuê xe riêng lên Hà Nội.
Chú tôi bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Ra quân, trở về địa phương, tuy bị thương tật, cứ trái gió trở trời là người đau nhức, mệt mỏi nhưng chú vẫn cố gắng cùng vợ miệt mài, chăm chỉ làm nông nghiệp để nuôi mấy người con ăn học thành tài. Chú bảo bản thân phải sống thật ý nghĩa, sống thay cho những đồng đội đã hy sinh, không là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Các con cháu của chú đều ngoan ngoãn, hiếu kính, tử tế, thành đạt. Vì thế, mấy hôm nay, không ai thúc giục, một cách tự nguyện, mấy đứa trẻ là cháu của chú đã thay ảnh đại diện trên trang cá nhân Facebook, Zalo sang màu đen trắng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư.
Quả thật, người thương binh ấy đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương, sống ý nghĩa, không hổ thẹn với đồng đội, có những cách dạy con cháu khiến người khác khâm phục. Tôi tin rất nhiều thương binh ở Hải Dương cũng sống, lao động, giáo dục con cháu như chú tôi.
Đến tháng 6/2024, Hải Dương có 22.684 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 10.473 bệnh binh. Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ nhưng đến nay những di chứng của nó vẫn hiện hữu trong cơ thể những thương binh, bệnh binh ấy, dày vò họ hằng ngày. Tuy vậy, phần lớn trong số họ vẫn luôn nỗ lực, bền bỉ trong cuộc sống để chứng minh một điều: thương binh “tàn nhưng không phế”.
Nhiều thương binh, bệnh binh chia sẻ được trở về và sống đến ngày hôm nay đã là một may mắn rất lớn. Vào sinh, ra tử, có trải qua chiến tranh gian khổ thì mới biết được cuộc sống quý giá đến nhường nào. Do vậy, mọi khó khăn trong cuộc sống hằng ngày đều không khiến họ nản lòng. Những người lính năm xưa không chỉ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, giáo dục con cháu sống có ích mà còn giúp đỡ, động viên nhau cùng vươn lên, tích cực tham gia công tác xã hội, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương, đất nước, làm đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ. Họ là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường, về lý tưởng sống cao đẹp cả trong thời chiến và thời bình để thế hệ trẻ noi theo.
Thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi và những cống hiến cho đất nước của thương binh, bệnh binh, thấm nhuần truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn trân trọng, biết ơn, dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo thiết thực đối với họ.
Tuy nhiên, ở đâu đó, một số thương binh, bệnh binh có những suy nghĩ lệch lạc, cho rằng mình được hưởng đặc quyền, không ai có thể động đến. Do đó, họ vô tư vượt đèn đỏ, bán hàng dưới lòng đường, vi phạm pháp luật giao thông, lấy danh nghĩa thương binh đi đòi nợ thuê, kiện cáo thuê, gây sức ép với đơn vị tổ chức sự kiện để kiếm được tấm vé, được ưu tiên tham gia sự kiện…
Năm nay chúng ta kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), cũng là 68 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thương binh tàn nhưng không phế", với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc sự cống hiến, hy sinh cao cả của thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách… Đây cũng là dịp để những người lính năm xưa tự soi, tự sửa, nêu gương, không tiếp tay cho những đối tượng xấu để làm những việc ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng.
BẢO LINH