Thuốc lá - thách thức của toàn xã hội

14/12/2015 15:18

“Tôi thấy khói thuốc ở khắp nơi”, là câu trả lời của nhiều người khi được hỏi về thực trạng thuốc lá.

Hầu hết đều thất vọng vì đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng thực tế, luật chỉ “nằm chơi”.

"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ"

Khu vực tôi sống, rất nhiều cuộc cãi cọ giữa vợ chồng xuất phát từ điếu thuốc. “Hút thuốc lá là mang bệnh tật vào người, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và người xung quanh” là quan điểm của nhiều bà vợ. Nhưng, các ông chồng thì gân cổ cãi: “Tôi hút thuốc từ cái thời chưa rước bà, nay vẫn khỏe re”.

Thật ra, việc vận động người thân không hút thuốc ở nhiều chị em vẫn chưa mấy quyết liệt. Chị Thu Nga ở Q.3, TP.HCM bộc bạch: “Chồng tôi vẫn hút thuốc ở nhà ngay cả khi có vợ con ngồi gần. Tôi chỉ dám kêu ông xã ra ngoài mà hút. Nhưng nếu ổng uống rượu thì tôi nhất quyết ngăn cản”. Thực tế, nhiều người nghĩ tác hại từ thuốc lá nhẹ hơn rượu bia và hậu quả từ rượu bia là tức thời, còn hút thuốc chỉ gây ra bệnh tật trong tương lai.

Thuoc la - thach thuc cua toan xa hoi
Thực tế luật Phòng chống tác hịa của thuốc lá chỉ nằm chơi - Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tại các khu vực như trường học, bệnh viện, bến xe, nhà ga, biển cấm được dựng nhiều và có cả quy định xử phạt hẳn hoi, nhưng khói thuốc vẫn khắp nơi. Vì sao? Anh Vĩnh Phú ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM nói thẳng: “Tôi chưa thấy ai phải đi nộp phạt vì hút thuốc lá”.

Những đổi thay tích cực

Cuộc chiến với khói thuốc lá đã diễn ra từ lâu. Thời gian qua, đã có nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá.

Anh Tiến Thịnh (nhân viên một cơ quan nhà nước) chia sẻ: “Thời gian trước, một ngày tôi có thể hút cả gói thuốc, nhưng từ khi cơ quan đặt bảng cấm, tôi và đồng nghiệp đành phải ra ngoài để giải quyết cơn ghiền. Việc này bất tiện quá nên mọi người giảm dần số lần hút thuốc”.

Gần đây nhất, một số nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán cà phê… cũng đã vào cuộc vận động “nói không với thuốc lá”. Tại TP.HCM, các địa điểm phục vụ ăn uống như cà phê Trung Nguyên, nhà hàng Di Bửu (Q.7, Q.Phú Nhuận), nhà hàng Hoa Tulip (Q.3), khách sạn Cầu Vồng (Q.5) và một số quán ăn gia đình, cửa hàng thức ăn nhanh đã có khu vực riêng cho khách có nhu cầu hút thuốc lá.

Rất khó để thay đổi thói quen, hành vi của người hút thuốc lá, nhưng không có nghĩa là không làm được. Bạn Thái Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hiến kế: “Nếu mỗi nhà chờ xe buýt đều có hình ảnh về tác hại của thuốc lá và đặt bảng cấm hút thuốc, tác dụng tuyên truyền sẽ sâu rộng, mạnh mẽ hơn”.

Còn anh Xuân Quý (Q.7, TP.HCM) thì cho rằng, cần áp thuế thuốc lá ở mức cao để đánh mạnh vào hầu bao của người nghiện thuốc cũng như người tập tành hút thuốc.

VIỆT PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuốc lá - thách thức của toàn xã hội