Nếu xảy ra xung đột lớn giữa Ấn Độ và Pakistan, hậu quả sẽ rất tàn khốc do hai nước nắm trong tay nhiều “ngón đòn” nguy hiểm.
Căng thẳng ở biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan trong tuần qua đã đẩy hai quốc gia có vũ khí hạt nhân này tới sát một xung đột vũ trang hơn bất cứ thời điểm nào trong hai thập kỷ qua. Nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu dù Pakistan vào ngày 1.3 đã phóng thích một phi công của không quân Ấn Độ mà Pakistan bắt giữ sau khi bắn hạ máy bay của người này vào tháng 2.
Máy bay chiến đấu MiG-21 của không quân Ấn Độ. Ảnh: Getty. |
Sau khi Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã thường xuyên ở trong trạng thái “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Hai nước đã tiến hành vài cuộc chiến tranh lớn chống lại nhau – cuộc gần đây nhất là vào năm 1999, với thương vong lên tới hàng ngàn người và vô số vụ đụng độ nhỏ lẻ ngang qua đường phân giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Kể từ lần đụng độ lớn gần đây nhất, cả hai nước đã lặng lẽ mở rộng và nâng cấp năng lực quân sự của mình. Mỗi bên có ưu thế riêng khiến bên còn lại phải dè chừng
Số lượng vũ khí và binh sĩ
Trong cuộc diễu binh mừng Ngày Cộng hòa vào hôm 23.1.2019 ở New Delhi, Ấn Độ đã phô diễn các lựu pháo M777 – đây là các vũ khí sử dụng công nghệ hàng đầu của Mỹ, theo các chuyên gia.
Sau hàng thập kỷ tích cực xây dựng quân đội, giờ Ấn Độ đã vượt Pakistgan về mặt số lượng máy bay chiến đấu, binh sĩ, xe tăng và trực thăng quân sự. Ấn Độ cũng vượt xa Pakistan về các mặt khác, như là ngân sách quốc phòng (64 tỷ USD của Ấn Độ so với 11 tỷ USD của Pakistan), theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Ấn Độ có khoảng 3 triệu quân so với gần một triệu quân của Pakistan theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Yếu tố Trung Quốc
Quân Ấn Độ đông hơn nhưng Ấn Độ không thể tập trung quân về phía tây, ở biên giới với Pakistan. Ấn Độ còn phải triển khai nhiều binh sĩ về vùng biên giới (nằm ở phía đông) với Trung Quốc.
Năm 1962, Ấn Độ và Trung Quốc đã bước vào một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu. Trong các năm tiếp theo, các cuộc đụng độ nhỏ lẻ vẫn tiếp tục bùng lên lúc này lúc khác, gần đây nhất ở là ở khu vực Doklam vào năm 2017.
Với việc duy trì quan hệ quân sự gần gũi với Pakistan, Trung Quốc có khả năng buộc Ấn Độ phải căng kéo sự chú ý ra hai phía.
Máy bay chiến đấu JF-17 thuộc Không quân Pakistan. Ảnh: Getty. |
Sự hội tụ tư duy chiến lược giữa Trung Quốc và Pakistan đã tiếp diễn trong 5 thập kỷ qua. Trung Quốc giờ đóng vai trò như là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan. Có tới 40% hàng quân sự xuất khẩu của Trung Quốc là sang thị trường Pakistan.
Yếu tố phương Tây
Bù lại, Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây, giúp họ theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân đội một cách nhanh chóng.
Ấn Độ có nhiều tiền hơn và có khả năng mua nhiều loại vũ khí hiện đại. Như mới đây, họ đã mua các máy bay với hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, sử dụng công nghệ Israel và khung máy bay Mỹ. Các cỗ pháo do Mỹ sản xuất cũng được Ấn Độ mua để triển khai dọc theo LoC ở Kashmir, thay thế các khẩu pháo Thụy Điển từ thời thập niên 1980.
Ấn Độ còn muốn mua thêm nhiều công nghệ quân sự mới của nước ngoài nhưng gặp phải giới hạn do phía các nhà cung cấp như Mỹ và Anh có sự kiểm soát chặt chẽ về mặt xuất khẩu.
Công nghiệp quân sự
Ấn Độ có nhược điểm là nền tảng công nghiệp quân sự trong nước còn nhiều yếu kém. Ấn Độ không có một hệ sinh thái công nghiệp nên thiếu kinh nghiệm thiết kế. Các kỹ sư Ấn Độ rất thông minh nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có khả năng thiết kế một máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, Pakistan lại tự chế tạo được máy bay, đó là những chiếc JF-17 do Trung Quốc thiết kế.
Theo một số báo cáo, có thể một trong những chiếc phi cơ JF-17 này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ấn Độ mới đây, dẫn tới việc phi công Ấn Độ bị bắt.
Chiếc phi cơ Ấn Độ bị bắn rơi là một chiếc MiG-21 (do Liên Xô thiết kế) đã phục vụ từ thập niên 1960. Không quân Ấn Độ cho biết, MiG-21 vẫn là “xương sống” của lực lượng máy bay chiến đấu nước này. Tuy nhiên các máy bay cũ này đòi hỏi phải bảo dưỡng nhiều, gây ra nhiều tốn kém.
Chiều sâu lãnh thổ
Diện tích Ấn Độ lớn gấp 4 lần Pakistan. Nhờ đó Ấn Độ có thể bố trí các thiết bị quân sự sâu trong lãnh thổ của mình, tránh xa các khu vực biên giới căng thẳng. Các cuộc tiến công của Pakistan khi ấy sẽ vấp phải nhiều tầng phòng ngự.
Trong khi đó Pakistan có diện tích nhỏ hơn, hẹp hơn nên các căn cứ quân sự của Pakistan sẽ khó che đỡ hơn.
Nói cách khác, Pakistan không có chiều sâu chiến lược. Nhiều căn cứ của Pakistan nằm sát lãnh thổ Ấn Độ và trở thành mục tiêu dễ dàng cho các lực lượng quân sự Ấn Độ.
Ấn Độ có trong tay nhiều phương tiện để tiến hành tấn công các mục tiêu này, như máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay tiếp nhiên liệu, hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không. Ấn Độ sở hữu lợi thế trên không.
Tuy nhiên việc tiến công trên bộ không dễ dàng đối với Ấn Độ do Pakistan có một hệ thống kênh dọc theo biên giới quốc tế khiến đối phương khó xâm nhập vào lãnh thổ Pakistan.
Do có đường bờ biển ngắn nên Pakistan không phải đầu tư nhiều cho hải quân và họ có thể đầu tư nhiều hơn cho lục quân để đối phó với Ấn Độ ở trên bộ.
Lá bài “phăng teo”
Một khía cạnh mà Ấn Độ và Pakistan ngang hàng nhau là vũ khí hạt nhân - thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các con số của SIPRI năm 2018 cho thấy Pakistan có từ 140 đến 150 đầu đạn hạt nhân, còn Ấn Độ có từ 130 đến 140 đầu đạn hạt nhân. Đây là điều khiến cộng động quốc tế rất lo ngại
Về phía Pakistan, điều đáng lưu ý là ở chỗ họ có chính sách phân quyền sử dụng vũ khí hạt nhân xuống các đơn vị ở cấp chiến thuật. Có vẻ phía Pakistan muốn nhắc nhở Ấn Độ rằng mối đe dọa hạt nhân luôn treo lơ lửng ở trên đầu và do vậy phải thận trọng, tránh tính toàn nhầm./.
Theo VOV