Thực trạng an toàn lao động tại các làng nghề

01/07/2010 05:24

Tỉnh ta hiện có 56 làng nghề, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, vấn đề vệ sinh, an toàn lao động (ATLĐ) tại nhiều làng nghề chưa được quan tâm.


Nhiều phụ nữ ở làng nghề mộc Đông Giao xã Lương Điền (Cẩm Giàng) saumột thời gian làm việc bị viêm xoang do môi trường nhiều bụi gỗ

Có mặt tại làng nghề nấu rượu Phú Lộc nổi tiếng thuộc xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) vào 3 giờ chiều, thời tiết oi nồng cộng với khí các-bon-níc từ các lò nấu rượu bằng than tỏa ra khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Mặc dù biết khí các-bon-níc độc hại, song người dân ở đây cũng đành chịu vì nấu rượu thủ công không thể bằng bếp ga hay bếp điện. Anh Nguyễn Văn Hải nhiều năm gắn bó với nghề nấu rượu cho biết: “Lâu nay chúng tôi không nghĩ việc hít khí than lại nguy hiểm đến vậy. Chỉ từ khi đi khám sức khỏe thấy phổi bị ảnh hưởng tôi mới phần nào nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh, ATLĐ trong quá trình làm nghề”.

Làng nghề mộc Lê Xá (Cẩm Giàng) có 63 hộ sản xuất, kinh doanh và hàng trăm người lao động (NLĐ) tham gia sản xuất tại các nhà xưởng. Trong các xưởng cưa, mặc cho bụi gỗ bay mù mịt, NLĐ vẫn thản nhiên làm việc không cần trang bị các phương tiện bảo hộ, ngay cả chiếc khẩu trang cũng không có. Những người phụ nữ làm việc trong một khuôn viên nhà xưởng chỉ rộng vài m2, vừa chật chội lại vừa hít phải khói bụi từ gỗ và mạt cưa rất độc hại. Nhiều người sau một thời gian làm việc bị viêm xoang, viêm tai… Nguyên liệu và sản phẩm ở đây đều dễ cháy nhưng hầu như các chủ xưởng không trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Dây điện đấu nối loằng ngoằng, tiện đâu mắc đấy. Do các xưởng sản xuất nằm cạnh nhau và gỗ để bừa bãi, nếu xảy ra hỏa hoạn thì đám cháy lan rộng hậu quả thật khó lường.

Tại làng nghề truyền thống da giày Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), mặc dù NLĐ thường xuyên tiếp xúc với bụi cao su và hóa chất, nhưng hầu như không ai trang bị găng tay bảo hộ. Làng nghề cơ khí ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) thường xuyên xảy ra tai nạn lao động. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, mỗi năm làng nghề này có trên 50 ca tai nạn thương tích. Năm 2009, làng nghề có 52 trường hợp bị tai nạn lao động. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã có 15 ca. Trong đó, anh Phạm Xuân Tùng bị tai nạn rất nặng. Trong lúc làm việc, anh bị điện giật làm cháy vỏ não, chân tay co lại. Nhiều năm về trước, tình trạng tai nạn cụt tay, cụt chân thường xảy ra. Chưa kể tiếng ồn, bụi kim loại cũng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của NLĐ…

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng mất vệ sinh, ATLĐ tại các làng nghề trước hết là do sự thiếu quan tâm của người sử dụng lao động và NLĐ. Để giảm chi phí trong sản xuất, các chủ sử dụng lao động thường “quên” trang bị các phương tiện bảo hộ cho NLĐ như: quần áo, khẩu trang, kính mắt, găng tay… Nhiều chủ cơ sở sản xuất viện lý do làng nghề với kinh phí đầu tư sản xuất thấp nên không chịu đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để bảo đảm an toàn cho NLĐ mà thường sử dụng các loại máy cũ, đã qua sử dụng. Máy móc hầu như không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành. Ngoài ra, còn có các loại máy tự chế, tự lắp ráp, các bộ phận máy chắp vá tạm bợ, nhiều chi tiết hỏng chưa được thay thế kịp thời. Các chủ cơ sở sản xuất không chú ý tới việc tập huấn, hướng dẫn cho NLĐ về ý thức chấp hành kỷ luật lao động và vệ sinh, ATLĐ. Mặt khác, quyền lợi của NLĐ như ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội gần như không được quan tâm. Chủ cơ sở sản xuất thường đưa ra lý do như: Chỉ là cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống theo thời vụ và NLĐ chỉ làm vào lúc nông nhàn nên chỉ giao việc bằng miệng và trả lương đầy đủ là xong. Bản thân NLĐ do kém hiểu biết và nhu cầu việc làm thôi thúc nên cũng đồng tình với những lý do này của các chủ cơ sở sản xuất. Khi không may xảy ra tai nạn lao động thì NLĐ không có bất cứ chế độ gì. Khuyến nghị của Cục ATLĐ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã nêu khá cụ thể về trách nhiệm của công ty, xí nghiệp, các làng nghề và NLĐ về việc bảo đảm ATLĐ, nhưng NLĐ còn thờ ơ và các chủ sản xuất chưa nghiêm túc thực hiện.

Để góp phần bảo đảm ATLĐ cho NLĐ, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, ATLĐ cho NLĐ và chủ sử dụng lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những cơ sở sản xuất còn thiếu quan tâm tới sự an toàn của NLĐ. Ngoài ra, cần có biện pháp buộc các chủ cơ sở sản xuất trong các làng nghề mua các loại bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Ngành y tế cần định kỳ khám và theo dõi sức khỏe cho NLĐ ở các làng nghề. Kiên quyết đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở không bảo đảm an toàn, hướng tới xây dựng môi trường làng nghề an toàn cho NLĐ.

L.A

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực trạng an toàn lao động tại các làng nghề