Thức tỉnh tội phạm chốn pháp đình

28/03/2016 10:17

Trong nhiều phiên tòa hình sự, chính sự mềm mỏng và khéo léo của những vị Hội thẩm nhân dân với những trăn trở đầy tình người đã góp phần thức tỉnh tội phạm.



Trong phiên tòa xét xử, ngoài vai trò giám sát hoạt động xét xử, Hội thẩm nhân dân còn có
 vai trò thức tỉnh các bị cáo, giúp họ nhận ra lỗi lầm


Nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thượng (TP Hải Dương), từ năm 1994, bà Trần Thị Hải Quỳnh liên tục được HĐND TP Hải Dương bầu làm Hội thẩm nhân dân (HTND).  22 năm ngồi ghế HTND của Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hải Dương, bà Quỳnh đã tham gia xét xử hàng nghìn vụ án. Mỗi vụ án là một câu chuyện với những hoàn cảnh khác nhau. Trong không ít phiên tòa hình sự, các bị cáo quanh co chối tội, tìm mọi cách để lảng tránh câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), thậm chí phản cung, không nhận tội. Trong nhiều phiên tòa như thế, bằng những lời lẽ phân tích thấu tình đạt lý, bà Quỳnh đã giúp các bị cáo thức tỉnh, ăn năn hối lỗi. Nhớ lại tình huống này, bà Quỳnh kể, tháng 12-2015, TAND TP Hải Dương xét xử bị cáo Phạm Thị Nguyệt (34 tuổi, ở phường Cẩm Thượng) về tội môi giới mại dâm. Nguyệt không có việc làm và đang thuê trọ cùng 2 người bạn khác. Ba người cùng bàn bạc với nhau, nếu ai có nhu cầu mua dâm thì Nguyệt đứng ra thu tiền để hai cô kia bán dâm. Nguyệt thu của khách mua dâm 300.000 đồng, sau khi trả tiền phòng và tiền cho người "đi khách", thị được hưởng 100.000 đồng.

Mặc dù hành vi phạm tội đã rõ nhưng Nguyệt luôn quanh co chối tội, trả lời nhát gừng trước mỗi câu hỏi của HĐXX. Nguyệt khai tại tòa: "Hai người đàn ông tìm người đi "vui vẻ" tôi hiểu là đi chơi, đi uống nước với họ chứ không nghĩ là họ có ý định mua dâm". Khi thẩm phán hỏi: "Bị cáo hiểu vui vẻ là đi uống nước, vậy tại sao họ lại đưa tiền cho bị cáo?" thì Nguyệt thản nhiên nói: "Tôi nghĩ là họ có nhiều tiền nên cho mình thôi!". Lúc này, Viện Kiểm sát nhân dân phải công bố các lời khai của Nguyệt trong các bút lục tại cơ quan điều tra (trái ngược lại với những gì thị khai trên tòa). Nguyệt lại bảo do hoảng loạn nên mới khai như vậy và lời khai tại tòa mới là đúng. Lúc này, bà Quỳnh phân tích: "Bị cáo đã ly hôn và hiện đang nuôi con. Thay vì chọn cho mình một công việc phù hợp để nuôi con thì bị cáo lại môi giới cho bạn bán dâm để kiếm lời. Con bị cáo có biết điều mẹ nó đang làm không? Đứa con nào rồi cũng nhìn mẹ để học tập, noi gương. Khi con bị cáo lớn, cũng với suy nghĩ như bị cáo bây giờ, nó sẽ theo "nghề" của mẹ thì bị cáo nghĩ sao?". Lúc này, vẻ mặt đanh quánh của Nguyệt bỗng biến sắc. Nguyệt cúi gằm mặt rồi bật khóc nức nở. Bà Quỳnh tiếp tục phân tích bằng những lý lẽ cứng rắn nhưng đầy tình người, đánh trúng tâm lý của một người mẹ. Nguyệt đã cúi đầu nhận tội và hứa sẽ không tái phạm. Kết thúc phiên tòa, Nguyệt phải chấp hành hình phạt 6 tháng tù giam về tội môi giới mại dâm. Bà Quỳnh xuống bên Nguyệt động viên, chia sẻ. Nguyệt khóc nấc rồi nắm chặt tay bà Quỳnh và hứa khi cải tạo xong sẽ sống tốt để làm gương cho con.

Hơn chục năm làm HTND của TAND tỉnh, bà Dương Thị Kim Hồng từng tham gia xét xử hơn 300 vụ án, trong đó nhiều bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên. Từng là giáo viên dạy môn giáo dục công dân của Trường THPT Hồng Quang, hơn ai hết bà Hồng thấu hiểu tâm lý của độ tuổi này. Bà Hồng cho biết, qua xét xử nhiều vụ án, phần lớn tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên chưa hoàn thiện về tâm sinh lý. Nhiều trường hợp bị cáo phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Chúng chưa nhận thức đầy đủ về các mối quan hệ xã hội, thiếu kinh nghiệm ứng xử, dễ bị dụ dỗ, kích động dẫn đến hành vi phạm tội. Có khi bị cáo ra tòa mà không biết mình phạm tội hoặc không ý thức được sự nguy hiểm của việc mình đã gây ra. Vì vậy bị cáo thường hoang mang lo sợ, tìm cách chối tội, bảo vệ mình. Không ít lần xét xử, bà Hồng phải dành gần một giờ đồng hồ chỉ để phân tích cho bị cáo hiểu ra sai phạm của mình. Nhiều phiên tòa, bà Hồng không chỉ đứng trên lập trường của người xét xử mà còn trong vai trò của một người mẹ, người thầy để phân tích cho các bị cáo hiểu ra lỗi lầm.

Bằng kinh nghiệm xét xử, bà Quỳnh cho biết, bên cạnh sự cứng rắn, đanh thép thì sự cảm thông, bao dung là liều thuốc tốt nhất để cảm hóa được cái xấu, cái ác. Bản án được tuyên không chỉ để trừng trị mà còn phải có tính giáo dục, răn đe người phạm tội. Điều quan trọng là HĐXX phải giúp họ ngộ ra được cái sai, nhận thức được lỗi lầm để có ý thức cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. Họ cần sự chia sẻ, động viên để đứng lên từ chính lầm lỗi đó. Bà Hồng thì cho rằng, trong phiên tòa mà mỗi thành viên trong HĐXX luôn "đanh" giọng quy kết tội theo các điều khoản của luật pháp, người tham dự phiên tòa ngoảnh mặt quay đi thì các bị cáo, đặc biệt bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên sẽ mang tâm thế phòng thủ và cảm thấy bế tắc. Lúc này, sự phân tích nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý với sự cảm thông sẽ giúp họ vượt qua sợ hãi. "Vì vậy trong quá trình xét xử tôi thường dùng nghệ thuật đánh vào lòng người, vào tâm thế che giấu tội lỗi của người phạm tội, nhẹ nhàng phân tích giúp cho họ nhận thức được hành vi phạm tội của mình, từ đó họ sẽ ăn năn, thành khẩn khai nhận tội và tự nguyện hứa sẽ cải tạo tốt để sớm trở về sống lương thiện", bà Hồng chia sẻ.

HTND tham gia hoạt động xét xử không chỉ là người thay mặt cho nhân dân giám sát hoạt động xét xử của tòa án, bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, phù hợp nguyện vọng quần chúng nhân dân mà còn góp phần cảm hóa, giúp các bị cáo thức tỉnh. Tấm lòng vị tha của các vị HTND, của cộng đồng sẽ mở ra "lối về" cho những người lầm lỗi. 

LAN NGUYỄN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thức tỉnh tội phạm chốn pháp đình