Thực hiện tốt quyền vận động bầu cử

03/05/2016 13:56

Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND các cấp đang vào giai đoạn vận động bầu cử theo quy định.




Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại Cẩm Giàng    


Ứng cử viên cần hiểu rõ và thực hiện đúng


Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử (điều 63). Quy định về thời gian tiến hành vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (điều 64). Quy định có hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng (điều 65).

Những quy định trên đây là rất rõ ràng, nhưng nhiều khi có sự vận động thiếu lành mạnh như: dùng người thân nói xấu ứng cử viên khác cùng đơn vị bầu cử, hoặc hứa hẹn với cử tri việc này, việc khác nếu trúng cử mà thường xảy ra đối với ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã. Những cách vận động này đôi khi lợi bất cập hại.

Ứng cử viên có thể tuyên truyền, giới thiệu về năng lực, sở trường của mình thông qua chương trình hành động được trình bày tại hội nghị tiếp xúc cử tri, hoặc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, như quy định tại điều 67: Người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia. (2). Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có).

Các ứng cử viên cần nắm rõ quy định tại điều 68 về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; hoặc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Khi cử tri hoặc các thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử phát hiện thấy ứng cử viên vi phạm các điều cấm này thì người vi phạm có thể bị xử lý, hoặc ít nhất cũng mất đi hình ảnh tốt đẹp trong lòng cử tri.

Tạo thuận lợi nhất cho các ứng cử viên

Trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định khá chi tiết về việc các tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử. Khoản 3, điều 62 quy định: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐBQH. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình, UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND.

Thực hiện quy định này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần xắp xếp chương trình tiếp xúc cử tri cho phù hợp, sao cho các ứng cử viên có thể tiếp xúc với cử tri ở các địa bàn thuộc đơn vị bầu cử. Không nên ghép ứng cử viên ở các cấp cùng tiếp xúc ở một điểm, cũng không nên ghép cử tri ở quá nhiều cơ sở tại một buổi tiếp xúc sẽ làm cho cuộc tiếp xúc không hiệu quả. Nên tổ chức hội nghị với quy mô vừa phải, thời gian hợp lý để các ứng cử viên có điều kiện trình bày chương trình hành động của mình một cách rõ ràng và trao đổi với cử tri để cử tri hiểu rõ về các ứng cử viên- đây là quyền lợi của các ứng cử viên cần được tôn trọng và tạo điều kiện.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang và chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Nhất là các đơn vị kinh tế cần chú ý tạo điều kiện về thời gian để các ứng cử viên tham gia đầy đủ hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần thực hiện đầy đủ quy định về đăng tải thông tin về vận động bầu cử, bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên, bảo đảm việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Tận dụng tốt cơ hội để vận động bầu cử

Thời gian cho hoạt động vận động bầu cử không dài, các ứng cử viên cần tận dụng cơ hội này để vận động, thuyết phục cử tri ủng hộ mình bằng nhiều cách và đúng luật:

Trước hết, cần thể hiện hình ảnh của mình trước công chúng, nhất là những người ứng cử lần đầu hoặc ít xuất hiện trước công chúng. Hình ảnh cá nhân là sự thể hiện từ gương mặt, tác phong, năng lực, các mối quan hệ đến cảm xúc, lòng tin và chính kiến… mà công chúng (cử tri) sẽ cảm nhận và có cảm tình, lòng tin với mình. Cần mạnh dạn, tự tin tham dự các cuộc gặp gỡ với cử tri; mạnh dạn trả lời phỏng vấn trên các phương tiên thông tin đại chúng.

Thứ hai, khi gặp gỡ tiếp xúc với cử tri, với nhân dân hãy tỏ ra là người biết lắng nghe, nghe nhiều hơn nói, chỉ nói khi cần thiết. Nghe như thế nào để cử tri muốn nói hết, muốn “dốc bầu tâm sự”, nghe có thiện cảm với người nói. Lắng nghe là để xem cử tri nói gì, đề đạt vấn đề gì. Trong các hội nghị tiếp xúc với cử tri cần chú ý những điều cần tránh: Không tập trung nghe, nghe một cách lơ đãng; làm việc riêng, nghe điện thoại, nói chuyện riêng, đi ra ngoài khi đang ngồi trong phòng họp; không nắm được hết ý kiến cử tri.

Thứ ba, trình bày chương trình hành động ngắn gọn, trọng tâm và khúc triết; trao đổi thẳng thắn, cởi mở những vấn đề cử tri quan tâm. Luật quy định, trong hội nghị tiếp xúc cử tri: Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND; Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Đây là cơ hội để người ứng cử một mặt thể hiện hình ảnh của mình, một mặt báo cáo để cử tri biết việc mình sẽ làm khi được bầu làm đại biểu. Do đó, việc chuẩn bị để trình bày chương trình hành động là rất quan trọng, cử tri sẽ đánh giá năng lực của ứng cử viên qua chương trình hành động này. Ứng cử viên nên trình bày tóm tắt chứ không đọc toàn văn chương trình đã viết sẵn.

Để trình bày tốt chương trình hành động trước cử tri, cần làm tốt công tác chuẩn bị: Xác định nội dung cần báo cáo; xây dựng đề cương, lựa chọn những ý chính cần nói; chọn lọc thông tin, dữ liệu cho những nội dung sẽ nói; soạn ra một sơ đồ để từ đó có thể theo dõi một cách logic; nên chuẩn bị vài mẩu chuyện hay cách nói ẩn dụ để làm cho sự diễn đạt tự nhiên. Cần trình này thử để nhớ nội dung chính cần nói, đồng thời kiểm soát thời gian để khi trình bày không bị “lố” và tập phong cách nói chuyện, thể hiện ngôn ngữ cơ thể: ánh mắt, nụ cười, động tác tay, chân… tạo cảm giác gần gũi, thân thiết với khán giả.

Thứ tư, cần chuẩn bị các yếu tố để cuộc tiếp xúc đạt kết quả tốt: Chuẩn bị trang phục phù hợp, thích nghi với công chúng và làm cho bạn thoải mái, không cầu kỳ, phù hợp với đối tượng trong buổi nói chuyện. Nên nhớ câu: “Y phục xứng kỳ đức”. Đầu tóc gọn gàng, gương mặt sáng sủa, nhớ mang kính (nếu phải dùng kính); hãy bỏ hết đồ vật trong túi ra, để tránh sự vướng víu, nhất là điện thoại; hãy nở nụ cười khi kết thúc phần trình bày. Tất cả các điều này sẽ để lại một kỷ niệm tốt đẹp, một sự thuyết phục cử tri ủng hộ mình.

LƯƠNG ANH TẾ
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

(0) Bình luận
Thực hiện tốt quyền vận động bầu cử