Tất cả lợi ích đều của nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhânlao động và toàn dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì cólợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận là: Tất cả lợi ích đều của nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân lao động và toàn dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ vai trò to lớn của nhân dân, đồng thời vạch ra 12 điều răn rất cụ thể để giáo dục bộ đội, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc và chung sống với nhân dân. Đảng ta đã tiếp thu tư tưởng "Nước lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó khẳng định: "Cần thắt chặt hơn nữa quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, chính Đảng cũng từ nhân dân, là một bộ phận tiên tiến của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân thực sự là người chủ, trực tiếp tham gia công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn mới của cách mạng".
Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ nhấn mạnh: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể (bao gồm cả cán bộ, đảng viên) và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt - Việt Minh v.v...) đều phải phụ trách công tác dân vận". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị - trước hết là của chính quyền. Cán bộ chính quyền không chỉ làm những chuyện về pháp luật mà còn phải làm tốt công tác dân vận. Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân, vì dân; cán bộ chính quyền cũng chỉ là công bộc của dân.Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, là người thầy vĩ đại trong công tác dân vận của Đảng. Sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức, tác phong sinh hoạt, phong cách gần gũi quần chúng nhân dân của Bác là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và mọi người Việt Nam học tập, noi theo. Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như bài báo "Dân vận" của Người đã và đang soi sáng con đường đi tới thành công của cách mạng Việt Nam, là cẩm mang của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng. Tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự nóng hổi để chúng ta tiếp tục thực hiện và phát huy trong nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới. Để công tác dân vận của Đảng không ngừng phát triển cần thực hiện tốt hơn nữa những yêu cầu cơ bản sau đây của công tác dân vận:
Một là, công tác dân vận phải bám chắc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Hai là, Cán bộ đảng viên luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh vĩ đại của lực lượng nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Ba là, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và từng giai đoạn cách mạng.
Bốn là, công tác dân vận phải gắn bó mật thiết với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Năm là, cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu, gần dân, sát dân, nói đi đôi với làm, có phẩm chất đạo đức trong sáng, được nhân dân mến phục, tin yêu.
Sáu là, chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ nghiệp vụ tinh thông, theo phương châm: "Trọng dân, hiểu dân, học hỏi dân và có trách nhiệm với dân...".
Quán triệt lời dặn: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bằng hành động thực tế cần làm cho công tác dân vận ở mọi đơn vị, địa phương thật sự có ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
TÔ PHƯƠNG (TP Tuy Hòa, Phú Yên)