Sáng 12-6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được thêm nhiều câu hỏi về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao tiêu thụ trên thị trường; thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” vấn đề an toàn lưới điện, điện cho hải đảo, nông thôn.
Đánh mạnh hàng giả, hàng kém chất lượng
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều văn bản liên quan đến xử phạt gian lận thương mại đã được ban hành, nhưng trong một số trường hợp, liều lượng mức độ xử lý, chế tài chưa đủ sức răn đe, vì vậy vẫn còn tình trạng tái phạm và phát sinh thêm các đối tượng mới. Do vậy, cần phải xem xét sửa đổi để nâng chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những hành vi sai phạm.
Bộ trưởng cho rằng trong chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, cần tập trung đánh mạnh vào các cơ sở đầu nậu, ổ nhóm tàng trữ hàng giả, hàng lậu, hàng nhái. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải ý thức được việc bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, không tiếp tay, tàng trữ, lưu thông và sử dụng hàng lậu giả nhái.
Vừa qua, Bộ Công thương đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tàng trữ và lưu thông hàng giả, lậu, nhái. Đến hết quý 1-2015, hơn 200.000 hộ kinh doanh đã ký cam kết và thực hiện.
Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các hộ đã chấp hành, tuy nhiên còn khoảng 10% vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, phải xử phạt hành chính.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đến yếu tố con người bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu có lực lượng cán bộ, công chức trong sạch, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức trách nhiệm cao, sẽ là yếu tố hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) liên quan đến vấn nạn một số doanh nghiệp đưa hàng núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao về tiêu thụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ sự phẫn nộ với các hành vi này. Ông cho rằng, đây không chỉ liên quan đến sự vô trách nhiệm của các tập thể, cá nhân mà còn là sự vô lương tâm khi đưa các mặt hàng đó lên tiêu thụ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, bởi đồng bào sống vùng này phần lớn có thu nhập thấp, kiến thức để nhận biết được chất lượng hàng hóa rất hạn chế. Việc đưa hàng giả núp bóng hàng chất lượng cao là tội lỗi, cần phải phê phán.
Nói về giải pháp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết bên cạnh phê phán, lên án, phải nghiêm túc xử lý các trường hợp này. Vừa qua, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương, Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các hội chợ triển lãm để xử lý kịp thời các hành vi trên.
Bộ trưởng cho biết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào thực chất, hơn 70% người dân ủng hộ chủ trương này và nói rằng nếu lựa chọn hàng hóa có chất lượng, giá cả, mẫu mã tương tự nhau sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt có mặt tại khoảng 90% siêu thị, trung tâm thương mại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp Trung ương chỉ đạo.
Phấn đấu đến 2020 có thể cung cấp đủ điện cho vùng nông thôn
Giải đáp câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) về giải pháp để thực hiện mục tiêu cung cấp điện cho các hộ dân nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc miền núi nói riêng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết chương trình đưa điện về nông thôn giai đoạn 2013-2020 có mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% số xã, thôn bản và hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.
Hiện, theo con số thống kê, cả nước đã có 96% số xã có điện, 97% số hộ dân nông thôn có điện; còn 55 xã, hơn 1.000 thôn bản chưa có điện với hơn 500.000 hộ dân. Từ nay đến năm 2020, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngành sẽ đưa điện về tất cả những nơi chưa có điện.
Quan tâm đến việc thực hiện việc bàn giao lưới điện nông thôn từ hợp tác xã kinh doanh điện cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt câu hỏi: "Sau hơn sáu năm thực hiện Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường, đến nay còn hơn 2.000 hợp tác xã chưa bàn giao, vướng mắc chủ yếu là hồ sơ chứng minh tài sản không rõ ràng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp và thời gian thực hiện dứt điểm việc bàn giao.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, đến nay, ngành điện đã tiếp nhận lưới điện của 8.000 xã do các hợp tác xã kinh doanh điện đầu tư, quản lý. Hiện còn hơn 2.000 xã đang duy trì mô hình hợp tác xã kinh doanh điện và có tình trạng điện xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện đến hết năm 2016 cơ bản tiếp nhận hết lưới điện của các xã này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong thời gian dài, các hợp tác xã ghi chép không đầy đủ các khoản đầu tư nên việc đánh giá tài sản bàn giao rất khó.
Liên Bộ Công Thương và Tài chính đã có Thông tư 06/2010/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện áp nông thôn nhưng nay đã hết hiệu lực.
Hiện, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn này để vừa thực hiện được việc bàn giao tài sản, đồng thời đảm bảo không để quá thiệt thòi cho những hợp tác xã kinh doanh điện.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng khẳng định về tổng thể, đến năm 2020 và sau năm 2030 là không thiếu điện theo Tổng sơ đồ điện 7 nhưng ở phía Nam có thể xảy ra thiếu điện cục bộ vào năm 2017-2018 vì nguồn tại chỗ không đủ đáp ứng. Chính phủ đã có các giải pháp để khắc phục tình trạng này, tình hình cấp điện sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu về đánh giá Việt Nam đang nằm ở đâu trong phân khúc công nghiệp hóa, năm 2020 có đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chênh lệch trong con số thống kê xuất nhập khẩu và các giải pháp để giải quyết tình trạng ách tắc hàng nông sản khu vực cửa khẩu...
Theo Bộ trưởng, tránh tình trạng ách tắc giao thông khu vực cửa khẩu, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ xây dựng khu trung chuyển đủ sức chứa trên 1.000 xe tải, vừa chờ tập kết, vừa phân loại hàng hóa trong khi chờ thông quan. Bộ đã bàn với tỉnh Lạng Sơn chủ động triển khai dự án và đang chuẩn bị đầu tư cách biên giới Tân Thanh hơn 10km. Tuy nhiên, dự án có số vốn tương đối lớn, Bộ Công Thương đang báo cáo Chính phủ xem xét hỗ trợ.
Cần thực hiện quyết liệt các giải pháp
Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nắm sâu lĩnh vực phụ trách, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết. Tuy vậy, những lĩnh vực của ngành Công Thương là vấn đề khó khăn nên còn nhiều điểm chưa được như mong muốn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cần tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần thấy hết được cơ hội, thuận lợi, khó khăn trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Đây là cơ hội “xốc” lại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu quan trọng là tổ chức cơ cấu lại thị trường, giúp từng người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội nắm chắc vận hội, khó khăn trong quá trình hội nhập rộng mở sắp tới.
Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cần phối hợp, giúp thị trường thông suốt từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng hàng hóa, để thị trường hoạt động khoa học, linh hoạt, vận hành nhanh nhạy; loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để người sản xuất và các địa phương có sản phẩm mạnh, đủ sức cạnh tranh, đến được với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công Thương phân tích thị trường trong nước (sản phẩm, lĩnh vực, ngành) để có được những mô hình khác nhau trong sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm. Có sản phẩm từ người sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng, có sản phẩm phải qua trung gian nên chính sách, mô hình phát triển là liên kết người sản xuất với hàng hóa tới người tiêu dùng. Vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường là thiết kế thị trường; hình thành siêu thị, trung tâm trung chuyển, cơ sở bảo quản hàng hóa, dây chuyền vận tải...
Cùng với đó, các Bộ, ngành cần tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cơ sở vật chất cần thiết, điều kiện, tuyên truyền các chính sách...) để đầu tư, sản xuất, hướng tới thực hiện mục tiêu người Việt yêu hàng Việt, dùng hàng Việt; tạo sự chuyển biến, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng kém, hàng độc hại ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, tạo chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của Nhà nước; nghiên cứu thay thế các chủ trương cũ. Công nghiệp phụ trợ không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Về điều hành giá điện, xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là hai mặt hàng cốt yếu của nền kinh tế, định hướng theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Bộ Công Thương cần tạo ra thị trường minh bạch, công khai kể cả mặt hàng Nhà nước quản lý đối với yếu tố đầu vào, đầu ra, hạch toán trong quá trình hình thành giá trị hàng hóa bán lẻ... thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông đại chúng để nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Bên cạnh việc quản lý giá điện, xăng dầu, cần có sự kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực này; điều hành theo giá thị trường, kiểm soát chặt chẽ đối với toàn bộ quá trình để tránh lợi dụng về giá cả.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm tốt việc rà soát các công trình thủy điện, nhiệm vụ còn lại là bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, khai thác các công trình thủy điện, tái định cư cho đồng bào vùng thủy điện; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, chây ỳ trong trồng bù rừng vùng thủy điện. Cần kiên quyết thực hiện mục tiêu đưa điện về nông thôn, hải đảo về đích trước năm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ trưởng Công Thương sẽ báo cáo những việc đã thực hiện tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; thực hiện sự quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao trong điều kiện hội nhập quốc tế, có các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, không thất bại trên sân nhà, thắng lợi trên trường quốc tế.
Theo TTXVN
Cần nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản Sau khi nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, tôi chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng về nguyên nhân khiến một số loại nông sản của nước ta như dưa hấu, hành tím bị ùn ứ, không xuất khẩu được sang Trung Quốc phải nhờ người tiêu dùng trong nước "giải cứu". Theo tôi, nguyên nhân một phần do việc xúc tiến thương mại của ngành công thương thời gian qua chưa được triển khai đồng bộ. Ở Hải Dương, những năm trước, dù được mùa hay không được mùa vải thiều vẫn bị mất giá do thời gian thu hoạch quá ngắn trong khi việc bảo quản quả vải tươi khó khăn khiến khâu tiêu thụ vải thiều rất bí. Năm nay, nhờ tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nên vải thiều không chỉ được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiện đang vào chính vụ thu hoạch vải nhưng giá không hề giảm mạnh như những năm trước. Thời gian tới, mong Bộ Công thương sớm có các giải pháp cụ thể đối với việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng các mô hình sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tăng cường thực hiện liên kết "4 nhà" để nông sản không phải chờ khi giá rẻ mới cầu cứu người tiêu dùng giúp đỡ. |