Dự án "Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề" do các nghệ nhân làng Thanh Liễu (phường Tân Hưng, TP Hải Dương) phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong tháng 6 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Chiều 8/6, tại Hà Nội diễn ra workshop “Kỹ thuật khắc và in mộc bản”. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động của dự án "Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề" do các nghệ nhân làng Thanh Liễu (phường Tân Hưng, TP Hải Dương) phối hợp cùng Phường Bách nghệ (Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt) tổ chức.
Sự kiện thu hút đông đảo nhân dân, chủ yếu là những người trẻ, có cả người nước ngoài quan tâm, yêu thích nghệ thuật khắc mộc bản tham dự.
Tại buổi workshop, người dân được 5 nghệ nhân nghề khắc và in mộc bản làng Thanh Liễu chia sẻ về kỹ thuật khắc và in mộc bản; trực tiếp thực hành khắc và in mộc bản.
Dự án "Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề" diễn ra đến hết tháng 6 tại Phường Bách Nghệ (HY 01-5, Hoàng Thành Villas, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: chuyên đề về mỹ thuật trong mộc bản, thảo luận về mỹ thuật trong các ván in mộc bản cùng workshop in ấn phẩm từ mộc bản; chuyên đề về ứng dụng của mộc bản xưa và nay, trình bày ứng dụng của mộc bản trong lịch sử và hiện đại; workshop ứng dụng và thảo luận về việc áp dụng mộc bản… Đồng thời, trong khuôn khổ dự án, các nghệ nhân làng Thanh Liễu có dịp chia sẻ với người dân quá trình, tâm huyết giữ nghề in khắc cổ...
Dự án không chỉ là nỗ lực bảo tồn di sản của những người trẻ, tâm huyết với nghề khắc, in mộc bản mà còn tạo cơ hội để phát triển và đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu.
Nghề khắc, in mộc bản được ông Lương Như Hộc, người làng Hồng Lục, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương) đậu Thám hoa kỳ thi khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông học được qua hai lần đi sứ sang Trung Quốc về truyền bá cho nhân dân hai làng Liễu Tràng, Thanh Liễu. Từ đó, nghề khắc và nghề in sách ở đây trở nên nổi tiếng, đảm đương việc khắc in những bộ sách đồ sộ của đất nước. Năm Chính Hoà 18 (1697), thợ Liễu Tràng, Thanh Liễu vâng lệnh triều đình khắc in bộ Đại Việt sử ký toàn thư - bộ lịch sử quan trọng bậc nhất của dân tộc.