Bộ NN và PTNT yêu cầu các địa phương, trường hợp tiêu hủy cả ruộng lúa nhiễm bệnh chỉ thực hiện khi mức độnhiễm nặng, không có khả năng phục hồi và hầu như mất trắng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn), bệnh lùn sọc đen hại lúa đã phát sinh ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Nam Ðịnh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sẽ tiếp tục lan rộng nếu như không phòng trừ quyết liệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 1714/TB-BNN-VP ngày 18-3, yêu cầu các địa phương: Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ các cấp và nông dân để nhận biết được triệu chứng bệnh trên lúa, sự lây lan và các biện pháp phòng, trừ bệnh. Thực hiện công tác giám sát đồng ruộng chặt chẽ để phát hiện bệnh kịp thời. Ðối với nơi lúa đã nhiễm bệnh, trường hợp lúa non (dưới 40 ngày) cần tích cực nhổ vùi cây lúa bệnh và cấy dặm lúa khỏe, phun xịt thuốc trừ rầy ruộng nhiễm bệnh và khu vực chung quanh; trường hợp lúa đã hơn 40 ngày, nhổ vùi cây lúa bệnh, nếu có rầy thì phun thuốc trừ rầy loại tiếp xúc. Trường hợp tiêu hủy cả ruộng lúa nhiễm bệnh chỉ thực hiện khi mức độ nhiễm nặng, không có khả năng phục hồi và hầu như mất trắng. Ruộng bị nhiễm sau khi thu hoạch phải cày vùi ngay để diệt mầm bệnh.
Ðối với những vùng chưa xuất hiện triệu chứng bệnh, thực hiện giám sát chặt chẽ đồng ruộng, phun thuốc trừ rầy nếu có. Bộ công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra và thành lập Ban chỉ đạo phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa.
(Theo Nhân dân)