“Người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần “tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”; rằng “Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”.
Bác cũng đã phân tích mặt đối lập của Cần, đó là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”. Như vậy theo Người, “người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc.
Cần là một thuộc tính, phẩm chất của đạo đức cách mạng. Giá trị xã hội và sức lan toả “cộng hưởng” của chữ Cần được Hồ Chủ tịch khái quát như sau: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Bằng phép tính đơn giản, chỉ cần mỗi người, mỗi ngày làm thêm 1 giờ mà ý nghĩa kinh tế của nó thật lớn lao.
Người nói: “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì: Mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ. Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ”. Trong hệ giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, theo Hồ Chủ tịch, Cần thẩm thấu, chi phối, tác động biện chứng trong chuỗi giá trị văn hoá đạo đức cách mạng mà người cộng sản phải luôn hội đủ “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (10-1947), Hồ Chủ tịch phân tích : “Bệnh lười biếng là tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”.
Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên (13-3-1960), bên cạnh biểu dương những việc làm tốt, Người ân cần phê bình nhắc nhở “một số công nhân chưa thật yên tâm công tác. Kỷ luật lao động chưa chặt chẽ, còn tình trạng đi muộn về sớm, còn lãng phí sức người, sức của. Cán bộ thì tinh thần trách nhiệm còn kém...”. Người phê phán một số cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) “thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó”; “ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật”. Hệ quả của căn bệnh này không những không giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà tác dụng nêu gương đối với cán bộ dưới quyền, nhân dân rất thấp. Bởi sức thuyết phục, lan toả ở phẩm chất Cần, nói đi đôi với làm trong mỗi người CB, ĐV rất lớn, động viên, thúc đẩy nhân dân cùng thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra.
Theo Bác Hồ chữ Cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà bao giờ cũng gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”.
Song “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”. Bác còn chỉ dẫn phương thức, cách thực hiện Cần. Người yêu cầu “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”.
Hơn lúc nào hết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và làm theo những lời Bác dặn, cần, kiệm để xây dựng đất nước; liêm, chính, chí công để phục vụ nhân dân, làm cho đất nước ta ngày càng đàng hoàn hơn, to đẹp hơn, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như sinh thời Bác kính yêu hằng mong muốn.
Ngày 29-2-1952, trên báo Cứu quốc số 2024 đăng bài “Cần và Kiệm” của Bác, với bút danh Đ.X. Trong bài báo đó Bác phân tích: “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công. Nếu chỉ Kiệm mà không Cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không. Cho nên Cần và Kiệm là như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một”. |