Thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

24/09/2019 16:09

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp các HTX nông nghiệp thay đổi về chất. Tỉnh sẽ hỗ trợ vốn và nhân lực để khuyến khích các HTX phát triển theo hướng này.


Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất là hướng phát triển tất yếu của các HTX nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Nắm bắt xu thế này, một số HTX trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư CNC để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiệu quả

Ngoài tập trung phát triển cây ổi, cuối năm 2018, HTX Nông sản sạch Nam Vũ ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) đầu tư xây hơn 5.000 m2 nhà màng sản xuất rau sạch. Dù mới làm được gần 1 năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt. HTX đang là đầu mối cung ứng rau sạch lớn và thường xuyên cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco. Theo chị Lương Thị Cúc, đại diện HTX, nhận thấy nhu cầu của thị trường về nông sản sạch ngày càng tăng nên HTX đã mở rộng sản xuất theo hướng CNC. Không chỉ cung cấp ổi VietGAP, HTX còn là địa chỉ uy tín về rau sạch cho các siêu thị Vinmart, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+. "Chúng tôi làm theo đơn đặt hàng nên không bị động trong khâu tiêu thụ. Tuy mới chỉ là khởi đầu song chúng tôi có thể khẳng định đây là hướng đi đúng, cần được tập trung đầu tư bài bản", chị Cúc nói.

Trước đây, HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) đã chú trọng nâng cao chất lượng nông sản. Thế nhưng, HTX chỉ dám trồng những cây truyền thống của địa phương như cải bắp, su hào... Từ năm 2017, khi áp dụng CNC vào sản xuất, HTX có thêm nhiều lựa chọn về cây trồng, nhất là những loại cây cho giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dưa kim cô nương... Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX Tân Minh Đức cho biết: Lợi nhuận thu về khi canh tác trong 6.000 m2 nhà màng còn cao hơn 6 mẫu trồng đại trà. Có hạ tầng sản xuất hiện đại, tránh được những tác động của thời tiết nên người dân ít lo lắng về sâu bệnh. Chi phí đầu vào cũng không tốn kém nhiều như trước. Sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nên các doanh nghiệp chủ động liên kết với HTX để thu mua. HTX đã ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy những lợi ích khi ứng dụng CNC vào sản xuất, HTX Tân Minh Đức đang có kế hoạch xây thêm 20.000 m2 nhà màng, nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nước tự động để phục vụ sản xuất.


HTX Nông sản sạch Nam Vũ ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) đầu tư xây hơn 5.000 m2 nhà màng sản xuất rau sạch

Định hướng lâu dài

Toàn tỉnh hiện có 325 HTX nông nghiệp, trong đó những HTX hoạt động nổi bật đều có điểm chung là ứng dụng CNC vào sản xuất. Mặc dù đem lại hiệu quả cao song mới chỉ có 10 HTX đầu tư sản xuất theo hướng này, chiếm 0,03% tổng số lượng. Nguyên nhân do phát triển nông nghiệp CNC cần nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX nông nghiệp đều ít có tiềm lực kinh tế.

Xác định áp dụng CNC là giải pháp giúp các HTX nông nghiệp thay đổi về chất, tạo đột phá, tránh tình trạng hoạt động trì trệ như trước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1762/KHUBND về phát triển các HTX, liên hiệp HTX hoạt động có hiệu quả. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 37 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất. Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện cụ thể, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh để khuyến khích các HTX tập trung phát triển theo hướng CNC. Các HTX chủ động ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động, bán tự động vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản. Để tạo động lực, tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ các HTX từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng để tránh sử dụng nguồn hỗ trợ mà không đem lại hiệu quả thực sự, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải lựa chọn những HTX có tiềm năng, lợi thế phát triển, xây dựng HTX nông nghiệp CNC bài bản chứ không dàn trải.

Theo ông Phạm Quang Khoa, Trưởng Phòng Kinh tế tập thể (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh), nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, một số HTX nông nghiệp trong tỉnh đã áp dụng CNC trong các khâu sản xuất và đạt được kết quả khả quan. Nhưng số lượng HTX có yếu tố CNC vẫn còn khiêm tốn so với đòi hỏi từ thực tế. Ứng dụng CNC không chỉ giúp HTX tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm vượt trội về chất lượng, nhất là nông sản trái vụ mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Do vậy, nhiều HTX trong tỉnh mong muốn phát triển theo hướng này. Tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp, chú trọng về vốn và nhân lực để thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất.

PV

Thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Ngày 27.4.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 461/ QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Hải Dương được giao chỉ tiêu đến năm 2020, phát triển 348 HTX nông nghiệp trở lên hoạt động có hiệu quả, tăng 23 HTX so với hiện tại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNC trong HTX nông nghiệp để đến năm 2020 có ít nhất 37 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Việc ứng dụng CNC không nhất thiết phải đầu tư phát triển nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động hiện đại mà chỉ cần ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường. Để ưu tiên cho các HTX nông nghiệp vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, UBND tỉnh giao Liên minh HTX tỉnh nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao