Năm học này, học sinh tựu trường từ ngày 3.9, khai giảng ngày 5.9, không phải đi học sớm như những năm trước. Các giáo viên cũng có thời gian chuẩn bị các phần việc cho kế hoạch giảng dạy của mình.
Trường Tiểu học Quang Khải (Tứ Kỳ) được xây dựng khang trang
Không phải học hè
Kết thúc năm học 2019-2020, ngoại trừ một bộ phận học sinh lớp 5 phải tiếp tục ôn tập để xét tuyển lớp 6 chất lượng cao, học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT, số học sinh còn lại của các lớp khác được nghỉ ở nhà.
Những năm trước, học sinh thường chỉ được nghỉ hè tháng 6, tháng 7 và bắt đầu trở lại trường để học chương trình năm học mới từ tháng 8. Một bộ phận học sinh gần như không được nghỉ hè vì đi học thêm tại trường hoặc nhà thầy cô. Mật độ học tập dày đặc, liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi khiến các em mệt mỏi, căng thẳng. Thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, kỹ năng sống của học sinh cũng vì thế bị bó hẹp...
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh kết thúc năm học muộn hơn những năm trước. Để phòng chống dịch, đồng thời tạo thời gian cho các em nghỉ ngơi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở cũng yêu cầu các trường không tổ chức dạy học trước lễ khai giảng. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thời gian năm học 2020-2021. Theo đó, ngày 3.9, học sinh sẽ tựu trường; ngày 5.9, các trường đồng loạt khai giảng năm học mới. Đối chiếu với thời gian kết thúc năm học 2019-2020, học sinh chỉ có khoảng 1,5 tháng nghỉ hè, ít hơn mọi năm nhưng là kỳ nghỉ hè thực chất, không căng thẳng, mệt mỏi.
Em Nguyễn Quỳnh Mai ở phố Bùi Thị Xuân (TP Hải Dương) năm nay vào lớp 9. Mai cho biết dịp hè mọi năm em đi học thêm 2-3 buổi/tuần, về nhà lại làm bài tập. Nhưng hè năm nay không phải đi học, đầu óc nhẹ nhàng. Ở nhà em làm được nhiều việc mình yêu thích như đọc sách, xem phim và phụ giúp bố mẹ việc nhà...
Học sinh không phải học hè, không đi học sớm như mọi năm đồng nghĩa với việc đa số giáo viên cũng đỡ áp lực, mệt mỏi. Ngoài giáo viên các trường mầm non nhiều lúc vẫn đến trường (trừ những ngày nghỉ vì dịch Covid-19) vì nhu cầu gửi trẻ dịp hè cao, còn lại đa phần giáo viên các bậc tiểu học, THCS, THPT được "xả hơi". Một số lượng lớn giáo viên THCS, THPT được Sở Giáo dục và Đào tạo triệu tập tham gia làm công tác coi thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2020 nhưng tổng thời gian chưa đến 10 ngày.
Nhiều giáo viên cho biết dịp hè những năm trước không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Ngoài dạy thêm, từ ngày 1.8, các giáo viên đã phải đến trường tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; ôn tập cho học sinh thuộc diện phải thi lại, tổ chức thi, xét duyệt lên lớp; xây dựng kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị giáo án và tham gia vào các công việc chuẩn bị cho năm học mới. Chị Hồ Thị Nga, giáo viên Trường Tiểu học Nam Trung (Nam Sách) chia sẻ: "Năm nay vẫn thực hiện những công việc này nhưng không dạy hè nên nhàn, bình tĩnh hơn, lại có nhiều thời gian dành cho gia đình. Việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo án cũng kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng".
Trường lớp khang trang
Năm học này, cơ sở vật chất trường lớp trong tỉnh được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại hơn. Để sớm cán đích nông thôn mới, các địa phương đã ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.
Từ năm 2019 đến nay, các xã, thị trấn ở huyện Thanh Miện đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng xây dựng trường học. Trước thềm năm học mới, Trường Mầm non xã Tứ Cường đã kịp khánh thành và đưa vào sử dụng nhà lớp học 18 phòng, chấm dứt việc phải dạy và chăm sóc trẻ ở 4 điểm trường lẻ. Các Trường Mầm non Thanh Giang, Ngũ Hùng, Tân Trào cũng đã và đang được sửa chữa, đầu tư xây các phòng học mới. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện Trần Xuân Dần cho biết: "Số lượng học sinh năm học này tăng nhưng cơ sở vật chất trường lớp của huyện đáp ứng được, không còn lo thiếu phòng học như những năm trước".
Những năm trước, do thiếu phòng học nên học sinh Trường Tiểu học Quang Khải (Tứ Kỳ) phải học tại 3 điểm trường. Có lớp phải học cả thứ bảy vì không đủ phòng. Từ năm 2019, trường được đầu tư nâng cấp, xây thêm 1 dãy nhà 3 tầng, 6 phòng học và các phòng chuyên môn. Trường trang bị bàn ghế, thiết bị dạy học hiện đại cho các lớp, trong đó lắp đặt 1 bảng tương tác trị giá 195 triệu đồng để thay thế máy chiếu. "Giáo viên, phụ huynh rất vui mừng, phấn khởi vì từ nay không còn phải lo học sinh ngồi học trong những gian phòng chật chội, ẩm thấp nữa", cô giáo Nguyễn Thị Châm, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Qua tìm hiểu tại nhiều huyện trong tỉnh cho thấy các cơ sở giáo dục ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Tình trạng thiếu phòng học không còn phổ biến như trước. Song song với xây lớp học, phòng chức năng, các trường còn làm tốt công tác xã hội hóa, lắp đặt các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ giảng dạy như ti vi, máy chiếu, điều hòa... Tất cả sẽ tạo môi trường giảng dạy, học tập thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong năm học mới.
BÌNH MINH