“Thưa thầy bài học chiều nay, con bỏ quên ngoài cửa lớp/ Thời gian trôi đi tóc điểm bạc bao giờ/ Mà viên phấn nức nở…”. Con rưng rưng nhớ về thầy mỗi khi đọc lại bài thơ đó.
“Thưa thầy bài học chiều nay, con bỏ quên ngoài cửa lớp/ Thời gian trôi đi tóc điểm bạc bao giờ/ Mà viên phấn nức nở…”. Con rưng rưng nhớ về thầy mỗi khi đọc lại bài thơ đó. Bài thơ con trân trọng sáng tác, rồi dán bên bàn làm việc, để lúc nào cũng nhớ về một người cha hiền từ đã dẫn dắt con đi trên đường đời. Có thể nào con quên được thầy ơi. Sa ngã có ba bảy đường, nhưng đường hoàn lương chỉ có một. Bài học ấy con mang đi làm hành trang suốt cuộc đời. Cha mẹ sinh ra con, thầy bồi đắp cho chữ nghĩa, kiến thức và cả cách thức để bước vào đời. Cái nhân, cái đức là chân lý, là cốt cách của một con người. Bài thơ ấy, vừa là một kỷ niệm, vừa là lời thú tội với người cha thứ hai mà con cảm động viết ra. Để khi đến tay thầy, thì hai thầy trò ôm nhau khóc. Con nhớ rõ lúc đó, thầy đã xúc động thế nào. Nó còn được các bạn khi đã sắp ra trường chuyền tay nhau đọc. Phải đến khi sắp xa thầy, con mới nhận rõ giá trị, nhưng vẫn chưa phải là muộn phải không thầy?
Tháng tháng, năm năm trôi qua, bão táp mưa sa vẫn đổ về trên mái trường. Hàng phượng cứ đỏ hoa rồi tàn lụi. Chúng lớn lên, cao lên, rồi có cây bị ngã. Màu ngói có thể cũ mèm, màu tường mốc thếch, nhưng tâm huyết của thầy thì chẳng thay đổi bao giờ. Cứ cần mẫn như thế, lặng lẽ chở bao "chuyến đò" người, để rồi chúng con ra đời, học lên nữa, làm người có ích cho đất nước. Mà thầy có bao giờ than thở một câu. Thầy vẫn tự hào với nghề đạm bạc, bình thường mà cao thượng, vẻ vang.
Hôm nay con trở về đây. Sân trường lao xao lá. Thầy không còn ở trường nữa, mà về hưu bên gia đình, sống với cây vườn, ao chuôm và những cảnh vật làng quê; chăm lo con cháu, làm tấm gương đạo đức suốt đời. Ngày xưa, thầy đố học trò đại dương nào lạnh nhất. Học trò trả lời là Bắc Băng dương. Chính con đã đứng lên và thưa “lạnh nhất là thầy Dương”. Đó là tên thầy. Cả lớp cười ồ. Thầy không chút bối rối, bảo đúng mà không đúng. Có thể các em coi thầy lạnh hơn băng, nhưng sau này các em sẽ hiểu sự nghiêm khắc của thầy sẽ có ích cho các em thế nào. Bởi vì đã có trò trách thầy quá nghiêm khắc, đặt cho thầy cái biệt danh là “Ông mặt lạnh”. Chẳng bao lâu, khi thành đạt thì thấy ân hận quá chừng.
Chúng con đều đã làm cha làm mẹ. Về thăm thầy đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tóc thầy bạc đi nhiều quá, mắt đã kém, bước chân đã run. Nhưng thấy đàn học trò cũ tề tựu khá đủ, thầy cảm động ứa nước mắt. Rồi bài hát học trò năm nào lại được mấy học trò nữ hát, giọng còn khá trong trẻo: “Khi tóc thầy bạc trắng, tóc em vẫn còn xanh. Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi. Thời gian trôi qua mau. Cầu kiều thầy đưa qua sông…”. Tất cả lặng đi trong giây lát, dành cho tình mến thương thầy trò và để cho ký ức ùa về. Người nọ người kia lại nhắc nhớ những kỷ niệm xưa cùng những vui buồn ngày nay. Vui quá là vui khi được ngồi lại bên thầy để tâm sự, để thấy sự gần gũi, ấm cúng khi ở bên thầy.
Tản văn của DIÊN KHÁNH